Mới đây, Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị nghiệm thu đề tài “Điều tra thành phần loài và đề xuất mô hình phát triển cây Sa nhân tại tỉnh Thừa Thiên Huế để tạo nguồn dược liệu”
Đề tài do Trường Đại học Y Dược Huế chủ trì thực hiện và PGS.TS Nguyễn Thị Tân làm chủ nhiệm đề tài. Mục tiêu của đề tài là xác định thành phần loài, khoanh vùng phân bố cây Sa nhân tại tỉnh Thừa Thiên Huế; xác định một số hoạt chất; Xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây Sa nhân tại huyện A Lưới.
Qua khảo sát ban đầu, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt tại các huyện miền núi, Sa nhân phân bố dưới tán rừng tự nhiên. Tuy nhiên, người dân ở đây vẫn chưa thấy rõ tầm quan trọng và giá trị kinh tế của cây thuốc này, bên cạnh đó, việc tự hái nhưng chưa nắm được kỹ thuật nhân giống, trồng, thu hoạch, bảo quản nên Sa nhân giảm về diện tích cũng như tỷ lệ hao hụt và chất lượng sản phẩm thấp. Sa nhân là tên gọi chung của một số loài cây cùng chi Amomum Roxb. thuộc họ Gừng (Zingiberaceae). Sa nhân ở Việt Nam vốn vẫn được coi là loại dược liệu đặc sản có giá trị kinh tế cao. Mặc dù Sa nhân ở nước ta chủ yếu được thu hái từ cây mọc tự nhiên, nhưng hàng năm vẫn được xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Do đó, để đáp ứng được các yêu cầu về sản lượng và chất lượng Sa nhân ở Thừa Thiên Huế, trước hết cần phải có sự nghiên cứu về thành phần loài và khoanh vùng các khu vực có cây Sa nhân mọc tập trung trên địa bàn tỉnh.
A Lưới là huyện miền núi vùng cao, còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Đất đai của huyện khá màu mỡ, diện tích đất trống đồi núi trọc lớn. Thời tiết, khí hậu thuận lợi cho phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế. Diện tích rừng lớn, tỷ lệ che phủ cao và thảm thực vật rừng phong phú. Đây là những điểm thuận lợi để thí điểm mô hình trồng Sa nhân trên địa bàn huyện A Lưới. Để bảo tồn tài nguyên di truyền thực vật và cung cấp nguyên liệu Sa nhân cho các công ty dược phẩm trong nước và xuất khẩu, ở nhiều địa phương trong cả nước đã nghiên cứu xây dựng mô hình trồng Sa nhân. Nhưng nguồn giống chủ yếu được gieo từ hạt nên quần thể cây giống không đồng đều. Nếu trồng bằng thân ngầm thu thập từ những cây tự nhiên thì hệ số nhân giống rất thấp và không đủ giống cung cấp cho sản xuất. Những điều này đã gây trở ngại cho việc xây dựng vùng nguyên liệu Sa nhân.
Ứng dụng công nghệ sinh học, đặc biệt là công nghệ nuôi cấy mô và tế bào thực vật được xem là phương án có triển vọng nhất để nhân nhanh, bảo tồn và phát triển nhiều nguồn gen cây thuốc quý hiếm. Nhân giống cây trồng bằng kỹ thuật nuôi cấy thực vật mang lại hiệu quả kinh tế hơn hẳn các phương pháp truyền thống. Với không gian nhỏ, kỹ thuật này cho phép sản xuất cây giống với hệ số nhân giống cao, có thể tạo ra hàng loạt cá thể đồng nhất về mặt di truyền với quy mô công nghiệp. Kỹ thuật này được áp dụng cho nhiều loại cây khác nhau để bảo tồn nguồn gen, đặc biệt là các gen quý hiếm của các loài hoa, cây dược liệu, tạo ra dòng cây sạch bệnh.
Qua quá trình nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài đã xác định được 10 loài thuộc chi Sa nhân (Amomum) hiện diện ở một số xã miền núi thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, bao gồm: Amomum aculeatum Roxb, Amomum maximum Roxb, Amomum mengtzense H. T. Tsai & P. S. Chen, Amomum muricarpum Elmer, Amomum ovoideum Pierre ex Gagnep., Amomum pavieanum Pierre ex Gagnep., Amomum repoeense Pierre ex Gagnep, Amomum villosum Lour, Amomum xanthioides Wall. Ex Baker, Amomum sp1. Với đặc điểm là cây ưa bóng, ưa ẩm, các loài Sa nhân đều đặc trưng phân bố dưới tán rừng ẩm và rừng thứ sinh. Cường độ ánh sáng giao động từ 5000-10000 Lux; nhiệt độ trung bình dao động từ 22-30°C; độ ẩm giao động từ 70-85%; độ cao trung bình từ 300-1500m. Tất cả các loài thuộc chi sa nhân đều có khả năng cho tinh dầu. Theo số liệu điều tra được về giá trị sử dụng của chúng đối với người địa phương thì nhóm cây dùng làm thuốc 5 loài chiếm 50 %, nhóm cây dùng làm gia vị 3 loài chiếm 30%.
Tại vùng vườn đồi và dưới tán rừng hỗn loài huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế sau 6 tháng trồng các loại hình cây sa nhân ương tạo từ hom, nuôi cấy mô tế bào hay trồng từ hạt đều sinh trưởng, phát triển tốt. Chiều cao cây đạt 79,8-106,8cm đối với mô hình tại vườn đồi và đạt 59,8-86,8cm đối với mô hình dưới tán rừng. Trong đó, ở cả hai mô hình, sa nhân có nguồn gốc từ nuôi cấy mô có số chồi, tổng số lá và diện tích lá đạt cao nhất... Tính chất đất ở tán rừng khá cứng, ít có sự tác động của con người thông qua hoạt động canh tác nên chất đất ở mô hình dưới tán rừng không tốt như đất tại vườn đồi nên vườn sa nhân ở đây sinh trưởng không tốt bằng. Cây sa nhân không chỉ sinh trưởng tốt mà còn thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu thể hiện thông qua tỷ lệ sống rất cao, tính chịu hạn tốt, chưa ghi nhận có sâu bệnh gây hại.
Các nhà nghiên cứu đã đề nghị cho tiếp tục bảo tồn và phát triển cây Sa nhân ở rừng tự nhiên, đồng thời khuyến khích trồng cây Sa nhân ở các khu vực vườn đồi, nguồn giống từ phương pháp nuôi cấy invtro, để phát triển vùng nguyên liệu. Phổ biến, tuyên truyền về tác dụng của cây Sa nhân và xây dựng thêm các mô hình trồng thử nghiệm loài cây này để mở rộng cho các hộ dân nhu cầu nuôi trồng. Tập huấn người dân về kỹ nhân giống, trồng, thu hái và chế biến để đảm bảo tính bền vững.