Ban đầu, người dân Tây Bắc làm món thịt trâu gác bếp để dự trữ thức ăn cho những chuyến đi rừng lâu ngày và bảo quản được lâu hơn. Dần dà, nó trở thành món đặc sản nổi tiếng của mảnh đất này.

Thịt trâu gác bếp là món ăn phổ biến của người dân tộc miền núi Tây Bắc. Nếu ai được một lần có dịp thưởng thức món ăn này sẽ không thể nào quên cái hương vị thơm ngon là lạ của từng miếng thịt.


Miếng thịt trâu gác bếp có mầu đen sậm, thơm lừng mùi khói, mùi gia vị, có lớp vỏ ngoài rắn, nhưng khi xé ra, lớp bên trong có màu hồng rất hấp dẫn. Khi mới ăn thực khách sẽ cảm thấy hơi hăng hắc vị của khói ám lâu ngày. Nhưng khi miếng thịt đã trôi xuống họng, vị ngọt đọng lại nơi đầu lưỡi lại khiến thực khách mê mẩn.

Thịt trâu gác bếp. Ảnh minh họa.
Thịt trâu gác bếp. Ảnh minh họa.

Để có được miếng thịt thơm ngon ấy, người dân nơi đây phải rất cẩn thận và cầu kỳ từ khâu chọn thịt cho đến khâu chế biến. Đầu tiên phải chọn bằng được miếng thịt bắp tươi ngon, ít gân ít mỡ. Sau đó cắt dọc thớ, chia tảng thịt ra làm nhiều phần, tẩm ướp nguyên liệu rồi treo lên cái giàn đã làm sẵn ngay trên bếp củi. Thứ củi từ núi đá sẽ cháy âm ỉ ngày đêm, củi cháy đến đâu khói bay lên đến đấy, quyện vào từng miếng thịt, biến chúng từ màu đỏ hồng sang màu sẫm dần, sẫm dần. Khoảng 5 - 6 ngày sau, miếng thịt co lại, gia vị bám đầy xung quanh, trông như khúc gỗ dãi dầu nắng mưa.


Ngày nay, thịt trâu gác bếp đã và đang dần trở thành đặc sản được biết đến nhiều nhất trong mỗi dịp du lịch Tây Bắc khiến bao thực khách mê mẩn. Không chỉ là món ăn truyền thống trong những ngày lễ Tết, thịt trâu gác bếp còn được người dân nơi đây mang ra làm món ăn trong bữa cơm mỗi khi nhà có khách. Hiện nay, một kg thịt trâu gác bếp dao động từ 700.000 - 900.000 đồng.