Đây là 1 trong 69 địa chỉ đầu tiên được công nhận là “Địa chỉ Xanh- Nông sản Sạch”.
Gian hàng giới thiệu sản phẩm của Công ty cổ phần Thủy sản Vạn Phần Diễn Châu tại Tuần lễ “Nông sản an toàn” thu hút khá đông người xem và mua hàng. Ảnh:Đức Thịnh
Ông Võ Văn Đại – Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Vạn Phần Diễn Châu (Nghệ An) cho biết: Các sản phẩm nước mắm Vạn Phần được sản xuất tại xã Diễn Ngọc (Diễn Châu), nơi có làng nghề nước mắm truyền thống nhiều đời. Theo cách chế biến nước mắm truyền thống là sử dụng phương pháp ủ chượp, gài nén, không sử dụng chất bảo quản, mỗi năm, công ty xuất bán 1.000.000 lít các loại nước mắm Vạn Phần ra thị trường.
Theo đó, nguyên liệu làm mắm là cá cơm tươi sau khi đánh bắt ngoài biển được đưa về phân loại rồi trộn đều với muối theo tỷ lệ 4:1 (4kg cá/1kg muối), cứ 1 lớp cá, 1 lớp muối, rắc thêm 1 lớp muối mỏng lát vỉ nứa lên trên. Sau đó, lấy đá đè bên trên để nén, đậy nắp rồi phơi nắng ít nhất từ 9 – 12 tháng. Trong thời gian đợi ủ chín, tuyệt đối tránh nước mưa chảy vào, nếu không mắm sẽ mất đi mùi thơm, ngon đặc trưng.
Theo ông Đại muốn sản xuất được nước mắm ngon, khâu chọn cá rất quan trọng. Vào vụ chính của nghề đánh bắt cá, những mẻ cá cơm béo nhất, có chất lượng tốt nhất được công ty đưa về phân loại, chọn riêng để chượp, nhằm tạo ra dòng nước mắm thượng hạng, có độ đạm cao.
“Nước mắm cốt nhỉ hạ thổ Vạn Phần là sản phẩm đặc biệt ngon của công ty. Sở dĩ gọi là “nhỉ” vì loại nước mắm này được lấy hứng từ các giọt nước mắm đầu tiên được “nhỉ” ra từ lỗ thông đang bịt kín ở đáy thùng chứa cá sau thời gian ủ chín. Sau đó chiết xuất những giọt mắm “nhỉ” vào trong các chum sành, đậy kín và cho hạ thổ trong lòng đất 2 năm”- ông Đại chia sẻ.
Cũng theo ông Đại, tiêu chí truyền thống để đánh giá chất lượng nước mắm nguyên chất là độ đạm - đạm tạo nên hương vị ngòn ngọt đằng sau vị mặn của muối. Nước mắm ngon trước hết phải có vị mặn, kế đến phải cảm nhận được vị ngọt nơi đầu lưỡi và kèm theo mùi thơm nồng đặc trưng.
Bên cạnh dòng nước mắm đặc biệt có từ 32 độ đạm trở lên, công ty cũng dùng nước cốt pha để chế thành nước mắm có từ 10 - 20 độ đạm, phù hợp với túi tiền của bà con nông dân.