Được mệnh danh là vùng đất võ, Bình Định còn nổi tiếng bởi rất nhiều món ngon, được lưu truyền trong thơ ca xưa.

1. Bánh ít lá gai

Người Bình Định có câu: “Muốn ăn bánh ít lá gai. Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi”.

Ảnh minh họa. Nguồn: Sài Gòn ẩm thực

Bánh ít lá gai Bình Định chính hiệu và ngon nhất là ở Tuy Phước. Bánh được làm từ loại nếp thơm, mới, đem vo thật lỹ, ngâm nước vài giờ, xay nhuyễn, ép bỏ nước. Sau đó trộn với bột lá gai - thành phẩm của quá trình luộc chín nhừ và xay nhuyễn- và đường cho thật dẻo. Sau khi trộn, lại tiếp tục cho hỗn hợp vào cối giã nhuyễn kèm một ít dầu ăn để khỏi dính cối đồng thời giúp bánh mịn màng.

Nhân bánh được làm từ sợi của những quả dừa vừa già, nấu chín với ít đường cát và ít gừng sau đó trộn với đậu xanh đã được nấu chín giã nhuyễn. Sau khi gói, cho vào xửng hấp khoảng 20 phút là chín.

2. Dừa Tam Quan

Nói về dừa Tam Quan, người Bình Định có khá nhiều câu thơ hay, như

Tam Quan ít mít nhiều dừa
Nhiều cô gái đẹp mà chưa có chồng.

Hay

Tam Quan ngọt nước dừa xiêm
Cha từ, mẹ bỏ vẫn tìm theo anh

Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnamnet

Dừa Tam Quan nổi tiếng là nhiều nước, cơm dày. Vị nước dừa ngọt thanh, hơi tê đầu lưỡi, mát lạnh đặc trưng. Cơm dừa trắng trong như thạch, ngọt và dẻo.

3. Nước mắm Gò Bồi

Nước mắm Gò Bồi là một loại đặc sản nổi tiếng, gắn liền với giai thoại ông đồ (cha Xuân Diệu - pv) lấy cô hàng mắm.

Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong/
Ông đồ nho lấy cô hàng nước mắm” - Xuân Diệu

Tuy vậy, trước Xuân Diệu, trong thơ ca, tục ngũ, nước mắm Gò Bồi cũng được nhắc tới nhiều:

Gò Bồi có nước mắm thơm
Ai đi cũng nhớ cá tôm Gò Bồi

Ảnh minh họa. Nguồn: SaiGon Times

Theo Báo Bình Định, nước mắm Gò Bồi có cái hương vị rất chung mà rất riêng vì làm thủ công. Mỗi loại cá, có những cách muối khác nhau.

Thông thường khi muối cá người ta dùng tỷ lệ 1 muối trên 3 cá. Cá xếp từng lượt cho đến khi đầy thùng, dùng lá kè và đá viên tròn yếm xuống. Thùng nước mắm thường là thùng gỗ danh mộc. Xếp mắm cái vào thùng rồi nước mắm chảy ra. Đó là nước bổi, nước được luông đi luông lại nhiều lần hằng mấy tháng trời.

Khi mắm đã chin chín, bắt đầu thu hoạch theo từng loại. Từ nước nhỉ, nước nêm, nước ngon rồi mới đến nước xác. Mỗi thứ đều đựng riêng rẽ, trong đó nước nhỉ là đặc sản của Gò Bồi. Đưa ngang chai nước mắm mà ngắm, nước trong vắt như nước chè tàu, màu nâu vàng óng, mở nút là thấy nồng nồng thơm thơm. Rót vào chiếc đĩa trắng nước mắm trong vàng sánh như mật ong, nhưng trong hơn, hơi dẻo vì chất cá.

Nước mắm cơm thì thơm lừng, nước mắm nục thì ngọt xớt, và rất nhiều thứ nước mắm, mỗi loại một vẻ.