Dự án do Công ty Cổ phần Xây dựng Phương Đông chủ trì thực hiện với sự hỗ trợ kĩ thuật từ Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng; Trung tâm Giống cây trồng, Vật nuôi và Thủy sản tỉnh Hòa Bình từ năm 2016-2020. Ông GS.TS. Trần Khắc Thi – Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Thăng Long làm Chủ tịch Hội đồng.
Dự án “Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng mô hình phát triển kinh tế trang trại bền vững trên vùng đất dốc tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình” được thực hiện với mục tiêu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng thành công mô hình Phát triển kinh tế trang trại bền vững tạo chuỗi cung cấp khép kín cho vùng đất dốc tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình. Thông qua đó sẽ chuyển giao các quy trình công nghệ cho người dân trong và ngoài vùng, góp phần xóa đói, giảm nghèo nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn vùng Dự án.
Thay mặt đơn vị chủ trì thực hiện, ThS. Lê Hoài Nam đã báo cáo tóm tắt quá trình triển khai và các kết quả đạt được của Dự án, cụ thể:
Đã phối hợp với Tổ chức chủ trì Chuyển giao công nghệ là Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng – Bộ KH&CN và đơn vị phối hợp chuyển giao triển khai chuyển giao được 11 quy trình kỹ thuật cho cán bộ của Công ty Cổ phần xây dựng Phương Đông và người dân trong vùng dự án. Bên cạnh đó, Xây dựng thành công mô hình sau:
- Mô hình trồng thâm canh bưởi Da xanh và giống bưởi đỏ Tân Lạc quy mô 04 ha; Mô hình trồng thâm canh cam V2, quy mô 02 ha.
Mô hình nuôi một số giống cá nước ngọt (Trắm đen, Chép và Rô phi đơn tính) trong ao đất, quy mô 3ha mặt nước (mô hình “Ao”).
Mô hình nuôi gà Đông Tảo theo hướng sản xuất giống, quy mô 50 gà sinh sản và 1.000 gà Đông Tảo thịt.
Mô hình trồng cỏ nuôi bò bán chăn thả (quy mô 70 bò và 05ha cỏ).
Đào tạo được 15 cán bộ kỹ thuật viên cơ sở, mở được 8 lớp tập huấn cho 300 lượt cán bộ và người dân tham gia, thông qua đó sẽ hoàn thiện và chuyển giao 11 quy trình công nghệ cho vùng dự án.
Mô hình trồng thâm canh bưởi Da xanh và bưởi đỏ Tân Lạc
Sau 02 năm triển khai, dự án đã thúc đẩy quá trình ứng dụng KH&CN trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân vùng dự án. Dự án đã góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân trong khu vực, tăng thu nhập ổn định cho người dân sản xuất nông nghiệp trong vùng; góp phần nâng cao trình độ kỹ thuật, năng lực sản xuất cho người dân trong vùng. Ngoài ra, Dự án góp phần phủ xanh đất trống, hạn chế xói mòn rửa trôi; tăng tỷ lệ phủ xanh đất trống, đồi trọc nâng cao hiệu quả che phủ, chống xói mòn đất, điều tiết nguồn nước, tạo môi trường xanh sạch đẹp, gắn phát triển cam với du lịch sinh thái./.