Theo quy hoạch, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn Nghệ An chiếm 15-20% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh, tăng thêm giá trị từ 20-30% vào năm 2020.
Tại cuộc họp, các đại biểu nghe và cho ý kiến về Quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) tỉnh Nghệ An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do sở NN&PTNT trình bày.
Năm 2010, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Đến nay, tổng diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng CNC là 9.502 ha, chiếm 3,1% diện tích canh tác nông nghiệp; giá trị sản xuất bình quân từ 200 - 250 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 2-3 lần so với sản xuất nông nghiệp đại trà.
Đã hình thành được các vùng nông nghiệp ứng dụng CNC tập trung với tổng diện tích đạt 3.815 ha. Tỷ trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 5 -10% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; năng suất, giá trị sản phẩm cây trồng vật nuôi được ứng dụng CNC tăng 20 - 40%, lợi nhuận cho người sản xuất tăng trên 30% so với doanh thu.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 12 đơn vị, doanh nghiệp hoạt động khoa học công nghệ và ứng dụng CNC trong nông nghiệp.
Theo quy hoạch, giai đoạn 2016-2020, Nghệ An lựa chọn 8 nhóm cây trồng, 5 giống con để thực hiện ứng dụng CNC vào các khâu chính (giống, canh tác, nuôi trồng và bảo quản sau thu hoạch). Phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có khoảng 5-7% diện tích canh tác đất nông nghiệp được ứng dụng CNC; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC chiếm khoảng 15-20% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh; nâng cao giá trị tăng thêm từ 20-30%; có từ 1-2 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp CNC.
Hình thành 1 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tập trung tại huyện Nghĩa Đàn, quy mô 200 ha để tổ chức sản xuất thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC.
Đến năm 2030, phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC chiếm 45-50% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh (mục tiêu cả nước là 40-50%), tạo hiệu ứng lan tỏa cho các vùng sản xuất khác. Có từ 4-5 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường tham quan vườn rau củ quả sạch ứng dụng công nghệ cao tại xã Hội Sơn (Anh Sơn) do Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Kim Nhan làm chủ đầu tư. Ảnh Thu Huyền. |
Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường thống nhất thông qua quy hoạch vùng ứng dụng CNC do Sở Nông nghiệp &PTNT trình bày. Sở Nông nghiệp &PTNT tiếp thu ý kiến các đại biểu để hoàn thiện nội dung quy hoạch.
Cùng chiều, các đại biểu nghe và cho ý kiến về chủ trương điều chỉnh bảng giá các loại đất giai đoạn từ ngày 1/1/2015 đến 31/12/2019 trên địa bàn Nghệ An; Dự thảo Quyết định ủy quyền giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất, giá đất cụ thể để giao đất tái định cư và giá đất cụ thể để xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Cuộc họp cũng nghe chủ trương thiết lập hợp tác về giáo dục đào tạo và đào tạo nghề giữa tỉnh Nghệ An và bang Nam Úc; báo cáo đề xuất nhu cầu bổ sung quy hoạch các sân golf trên địa bàn tỉnh và cho ý kiến về việcCông ty CP Hoàng Thịnh Đạt tiếp nhận Dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hoàng Mai 1 từ Công ty CP đầu tư KCN Hoàng Mai.