Ứng dụng thành công công nghệ nấu luyện thép hợp kim chất lượng cao tạo ra các sản phẩm thép hợp kim giá thành chỉ bằng 40-50% giá nhập khẩu; tiếp nhận và xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong việc sản xuất giống khoai tây sạch bệnh;...

Mô hình sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm hàng hóa trên quy mô diện rộng tại Nam Định. Ảnh:Quỳnh Chi
Mô hình sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm hàng hóa trên quy mô diện rộng tại Nam Định. Ảnh:Quỳnh Chi

Đó là một số kết quả nổi bật của tỉnh Nam Định giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, để KH&CN đóng góp nhiều hơn nữa vào sản xuất, kinh doanh, Nam Định nên lựa chọn nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào các sản phẩm chủ lực, có hàm lượng giá trị gia tăng cao, có tiềm năng xuất khẩu lớn, năng suất, chất lượng cao để sản phẩm nhanh chóng có được thương hiệu, thị trường và giá trị thương mại cao.

Đưa KH&CN vào đời sống, sản xuất
Tỉnh Nam Định có diện tích tự nhiên 1.652km2, dân số xấp xỉ 1,9 triệu người. Quy mô nền kinh tế năm 2014 đạt trên 16.000 tỷ đồng, gấp 1,6 lần năm 2010. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2014 ước đạt bình quân 12,1%/năm, gấp 2 lần so với cả nước (5,7%/năm), trong đó: Nông lâm - thủy sản tăng 4,1%/năm; công nghiệp - xây dựng tăng 22,5% năm; dịch vụ tăng 12,3%/năm. Nam Định có nhiều tiềm năng trong việc trồng lúa, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, phát triển dệt - may,...
Tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của Bộ KH&CN do Bộ trưởng Nguyễn Quân làm trưởng đoàn với tỉnh Nam Định mới đây, ông Đoàn Hồng Phong - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - cho biết, giai đoạn 2011-2015, Nam Định chi đầu tư cho KH&CN (gồm cả chi ngân sách tỉnh và bổ sung của trung ương) là 214,829 tỷ đồng. Bên cạnh việc ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa các quy định của trung ương về KH&CN để triển khai thực hiện, hoạt động KH&CN của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ thông tin, tài nguyên và môi trường, phòng chống thiên tai và các hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng,...
Theo đó, trong lĩnh vực nông nghiệp, đã hoàn thiện quy trình, ứng dụng tiến bộ KH&CN nâng cao năng suất chất lượng sản xuất lúa, lựa chọn một số giống lúa thơm, lúa chịu mặn, giống lúa lai mới của tỉnh như D.ưu 527, Bắc ưu 128; xây dựng mô hình sản xuất giống đậu tương ngắn ngày Đ8 và Đ2101 chất lượng cao với diện tích 30ha, năng suất 65kg/sào; tiếp nhận, xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật và khí canh; tiếp nhận công nghệ sản xuất nhân tạo 8 loại giống thuỷ sản (ngao, tôm chân trắng, cua biển, cá chình, tu hài, hầu, cá lăng, song chấm nâu); xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm thương hiệu truyền thống khác như: Nước mắm Giao Châu, cá bống bớp Nghĩa Hưng, các sản phẩm thuộc Vườn quốc gia Xuân Thủy,… Qua đó, đã giúp nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản phẩm, tăng quy mô sản xuất trên 50%, mở rộng thị trường.
Trong công nghiệp, đã ứng dụng thành công nhiều công nghệ mới, tạo các sản phẩm thay thế nhập khẩu: Công nghệ nấu luyện thép hợp kim chất lượng cao tạo ra các sản phẩm thép hợp kim giá thành chỉ bằng 40-50% giá nhập khẩu; công nghệ ép thủy lực song động để sản xuất gạch ống ximăng cốt liệu (gạch không nung) với công suất của dây chuyền đạt 10 triệu viên/năm đạt tiêu chuẩn TCVN 6477:2011; công nghệ sản xuất muối sạch, công suất 22.000 tấn muối tinh/năm và 10.000 tấn muối sấy/năm được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, do các kỹ sư Việt Nam thiết kế, chế tạo. Công nghệ chế tạo máy chế biến lâm sản phay mộc đa năng PĐN-5 cung cấp cho các tỉnh trên cả nước,…
Đặc biệt, tỉnh đang hỗ trợ sản xuất thử lò đốt rác thải sinh hoạt Losiho phục vụ cư dân khu vực nông thôn. Đây là sản phẩm lò tự đốt rác bằng không khí tự nhiên (dùng năng lượng của chính rác thải để đốt rác), không cần dùng các loại nguyên liệu như điện, gas, xăng, dầu. Công suất lò 300-500kg/giờ, phù hợp xử lý rác thải sinh hoạt trong ngày tại thị trấn, thôn xã, cộng đồng khu vực đông dân cư, góp phần tiết kiệm diện tích cho các bãi chôn lấp, đảm bảo hợp vệ sinh, tiêu chuẩn về môi trường.
Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ hàng trăm doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Xây dựng và duy trì việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 cho 46 cơ quan trong tỉnh. Quản lý chặt chẽ công tác đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa, công tác an toàn bức xạ tại 41 cơ sở sử dụng thiết bị bức xạ và 10 cơ sở có nguồn phóng xạ, phát triển công tác sáng kiến cải tiến kỹ thuật trở thành phong trào thi đua trong tỉnh, tổ chức thành công 3 hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn tỉnh.
Ứng dụng KH&CN, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên với đặc thù là một tỉnh mạnh về lĩnh vực nông - lâm - thủy sản, hoạt động KH&CN của tỉnh vẫn còn hạn chế trong việc hỗ trợ để tạo ra bước đột phá trong sản xuất theo chuỗi - từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm... Chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ. Chưa chủ động tư vấn đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN để giải quyết các vấn đề trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, thời gian qua tỉnh đã quan tâm đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả các công nghệ mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và có nhiều kết quả nổi bật. Tuy nhiên, thời gian tới tỉnh cần tiếp tục bố trí hợp lý nguồn kinh phí KH&CN được ngân sách trung ương hỗ trợ để thực hiện tốt các nhiệm vụ KH&CN ở địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất tạo ra những sản phẩm mang tính cạnh tranh với thị trường. Tỉnh nên lựa chọn nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào các sản phẩm chủ lực, có hàm lượng giá trị gia tăng cao, có tiềm năng xuất khẩu lớn, năng suất, chất lượng cao để sản phẩm nhanh chóng có được thương hiệu, thị trường và giá trị thương mại cao.
Chủ tịch Đoàn Hồng Phong cho biết, giai đoạn 2016-2020, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh CNH-HĐH, xây dựng nông thôn mới và quyết tâm tạo ra bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Hoạt động KH&CN của tỉnh sẽ bám sát, phục vụ kịp thời, hiệu quả cho việc thực hiện tái cơ cấu và thực hiện kế hoạch, quy hoạch phát triển của từng ngành, lĩnh vực, địa phương; tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tàu thực hiện sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, thông qua áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến trong chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm. Tiếp tục nghiên cứu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực, trọng điểm của tỉnh và khai thác có hiệu quả lợi thế của từng vùng, địa phương. Đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đặc biệt, phát triển mạnh hơn nữa mô hình doanh nghiệp KH&CN; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.