Mô hình kết hợp nuôi ong trong quá trình trồng cam ở huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, đã giúp tăng khả năng thụ phấn cho cây, đồng thời giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần cải thiện môi trường sinh thái.

Nguồn gen quý

sdds
Cam Vũ Quang được trồng tại khu vực chủ yếu ở dạng đồi núi thấp. Nguồn: Phòng Nông nghiệp huyện Vũ Quang

Với lợi thế về tiềm năng đất đai, những năm qua, huyện Vũ Quang - huyện miền núi biên giới đầu tiên của cả nước được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2020 - đã nỗ lực phát triển cây cam không chỉ như một loại cây xóa đói giảm nghèo mà còn là cây làm giàu. Hiện sản lượng cam ở Vũ Quang chiếm khoảng 35% sản lượng cam của toàn tỉnh Hà Tĩnh.

Cam Vũ Quang gồm các loại giống có nguồn gen quý, phù hợp với điều kiện sinh thái đặc thù nên có chất lượng tốt. Được trồng tại khu vực chủ yếu ở dạng đồi núi thấp, độ dốc dưới 25o, tầng đất canh tác dày, thoáng khí, cam có hàm lượng dinh dưỡng cao. Năm 2017, tham gia Lễ hội Cam và Nông sản toàn tỉnh lần thứ nhất, cam Vũ Quang đoạt giải đặc biệt về chất lượng.

dssfdf
Cam Vũ Quang từng đoạt giải đặc biệt về chất lượng tại Lễ hội Cam và Nông sản toàn tỉnh lần thứ nhất, năm 2017. Nguồn: Phòng Nông nghiệp huyện Vũ Quang

Một số giống cam quý hiện nay trên địa bàn huyện Vũ Quang có thể kể đến:

- Cam chanh: Là giống cam Xã Đoài, nguồn gốc từ vùng Xã Đoài, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Đưa lên vùng núi cao Vũ Quang, mã quả đẹp hơn, có phẩm chất quả thơm ngon, vị ngọt đậm, trồng được ở nhiều loại đất, quả chín có màu xanh vàng, bề mặt vỏ tròn nhẵn, quả hình cầu, thịt quả màu vàng tươi, nhiều nước. Năng suất cao, khối lượng quả trung bình 200 - 250 gr/quả, có 18 - 22 hạt/quả, thu hoạch vào cuối tháng 10 đến tháng 12 hằng năm.

- Cam V2 (Valencia 2): Được chọn tạo từ giống Valencia Olinda, là giống cam ngọt chín muộn, khả năng thích nghi rộng, kháng bệnh tốt. Cây phân cành đều, cân đối, khả năng ra hoa đậu quả cao. Quả gần như không hạt (từ 0 đến 6 hạt, trung bình 4,5 hạt/quả trong điều kiện trồng xen). Quả dễ bảo quản và bảo quản được lâu trên cây. Quả to trung bình (190 - 250 gr/quả), hàm lượng nước cao, tỷ lệ xơ thấp, thơm, ngọt đậm, chín từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau.

- Giống cam bù Hà Tĩnh: Cây cao trung bình, khối lượng quả 180 - 220 gr, có 3 - 12 hạt/quả, ngọt đậm. Quả chín vào tháng 12 - 2. Cây cam bù là cây trồng bản địa, được xếp hạng là một trong những giống cam ngon nhất hiện có của Việt Nam, đã được người dân trồng hàng trăm năm nay. Trên địa bàn huyện, cam bù chủ yếu được trồng tại xã Sơn Thọ và Đức Lĩnh, sau đó được phát triển ra một số địa phương khác.

Mô hình 2 trong 1

dfgdg
Khoảng một nửa diện tích trồng cam trong huyện được kết hợp với việc nuôi ong lấy mật, tăng khả năng thụ phấn cho cây, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nguồn: Phòng Nông nghiệp huyện Vũ Quang

Toàn huyện Vũ Quang hiện có gần 2.600 ha cam, trong đó gần 2.000 ha cho thu hoạch. Đặc biệt, hơn 5.500 hộ trồng cam, đang canh tác trên khoảng gần một nửa tổng diện tích trồng cam trong cả huyện, đã kết hợp nuôi hơn 9.000 đàn ong lấy mật. Cái được lớn nhất mà người trồng cam ở địa phương có được khi thực hiện mô hình này đó là những kiến thức hữu ích trong việc sử dụng phân bón cân đối, hợp lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế rửa trôi, xói mòn đất.

Việc đặt các đàn ong dưới tán cây cam được chứng minh là quá trình sản xuất an toàn, thúc đẩy mối quan hệ công bằng sinh học, thúc đẩy việc sử dụng bền vững đất - nước - không khí cũng như giảm thiểu tất cả các dạng ô nhiễm có thể phát sinh từ các hoạt động nông nghiệp. Nhờ đó, nuôi ong mật trong vườn cam không chỉ tăng thêm nguồn thu mà còn tăng khả năng thụ phấn cho cây, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần cải thiện môi trường sinh thái.

Cam ngon lên “sàn”

gfgfg
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan với sản phẩm cam Vũ Quang trong chuyến thăm và làm việc tại huyện Vũ Quang hôm 14/10/2021. Nguồn: Phòng Nông nghiệp huyện Vũ Quang

Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, cộng với việc người dân chủ động chăm sóc và tuân thủ hướng dẫn kỹ thuật nên cam Vũ Quang cho năng suất cao (15 tấn/ha). Ước tính, sản lượng cam của toàn huyện đạt khoảng gần 30.000 tấn (tăng hơn 10.000 tấn so với năm 2020). Đây cũng là vụ cam được mùa nhất từ trước đến nay.

Chất lượng sản phẩm cam Vũ Quang vụ này đã được nâng cao vì người trồng chú trọng kỹ thuật; diện tích theo tiêu chuẩn VietGap cũng được mở rộng, hiện vào khoảng 1.000 ha và dự kiến đạt 1.490 ha vào năm 2025.

Giá bán cam Vũ Quang giao động từ 10 nghìn đồng/kg đến 30 nghìn đồng/kg, tùy loại. Nếu bán được mức giá bình quân khoảng 20 nghìn đồng/kg thì vụ này, nông dân Vũ Quang sẽ thu về khoảng 600 tỷ đồng.

vvcvc
Năm nay, cam Vũ Quang cho năng suất cao (15 tấn/ha), được mùa nhất từ trước đến nay. Nguồn: Phòng Nông nghiệp huyện Vũ Quang

Thời điểm hiện tại, vựa cam của Vũ Quang đã bắt đầu vào vụ thu hoạch. Để chủ động đầu ra, các địa phương, nhà vườn đã liên hệ các đầu mối tiêu thụ quen ở TP Vinh, Huế, Đà Nẵng... Đến nay, khách hàng đã liên hệ đặt mua một số lượng đáng kể.

Về phía huyện, để hỗ trợ người dân tiêu thụ cam trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cấp ủy, chính quyền huyện đã xây dựng kế hoạch và các giải pháp toàn diện.

Cụ thể, huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tổ chức các buổi hội thảo về liên kết chuỗi, hỗ trợ bà con nông dân livestream bán hàng online và quảng bá hình ảnh cam Vũ Quang trên các trang mạng xã hội.

Bên cạnh đó, huyện còn phối hợp với Sở Công Thương làm việc với Bộ Công Thương và các sàn thương mại điện tử lớn để xây dựng gian hàng cam Vũ Quang trên Voso.vn (Viettel), Postmart.vn (Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam), Hatiplaza.com (Sàn Thương mại điện tử Hà Tĩnh); đồng thời thúc đẩy thực hiện truy xuất nguồn gốc điện tử đối với sản phẩm cam Vũ Quang để thuận lợi cho việc kết nối lên các sàn giao dịch thương mại điện tử và tiếp cận các siêu thị, cửa hàng lớn trong và ngoài tỉnh.

Huyện cũng cho rà soát đối tượng chủ phương tiện vận chuyển nông sản, chủ nhà vườn để ưu tiên tiêm phòng vaccine Covid-19; và hướng dẫn các cơ sở tuân thủ các quy định của Sở Giao thông, Sở Y tế về công tác phòng, chống dịch.

Hy vọng rằng, với sự chủ động chuẩn bị trước các giải pháp, sản phẩm cam Vũ Quang sẽ được tiêu thụ ổn định khi vào chính vụ.