Nhờ áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt từ Israel, phân bón khoáng chất nano và lưới ngăn côn trùng, nông dân trồng rau ở Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã tăng được 30% sản lượng; đầu ra cho sản phẩm được bao tiêu trọn gói.

Tăng sản lượng, giảm nhân công

Gia đình ông Nguyễn Văn Thanh (xã Tân Hải, huyện Tân Thành) là hộ đầu tiên ở Bà Rịa - Vũng Tàu áp dụng mô hình trồng hành lá và rau cải cục kết hợp phân bón khoáng chất nano công nghệ của Đức, hệ thống lưới ngăn côn trùng và công nghệ tưới nhỏ giọt từ Israel. Ông cho biết, so với cách truyền thống, quy trình này cho sản lượng cao hơn, tiết kiệm chi phí (nhân công, phân bón, thuốc trừ sâu và nước tưới).

Để triển khai mô hình này, các kỹ sư của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN), Sở KH&CN Bà Rịa - Vũng Tàu đã trực tiếp hướng dẫn người dân lắp đặt hệ thống lưới vây, tưới nhỏ giọt và bón phân đúng tỷ lệ để đảm bảo chất lượng rau. Ông Trần Đình Ngân - Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, chủ nhiệm dự án - cho biết, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật kể trên giúp sản lượng rau tăng 30-35%.

Ông Trần Đình Ngân - chủ nhiệm dự án - trong vườn rau cải cục của ông Nguyễn Văn Thanh. Ảnh: NV
Ông Trần Đình Ngân - chủ nhiệm dự án - trong vườn rau cải cục của ông Nguyễn Văn Thanh. Ảnh: NV

Ông Thanh hào hứng chia sẻ: “Gia đình tôi áp dụng mô hình này với diện tích 1.000m2. Mỗi luống hành lá trồng trong nhà lưới thu hoạch được 70kg, trong khi cách trồng truyền thống chỉ mang lại 45-50kg. Rau cải cục mỗi luống trồng theo cách truyền thồng chỉ thu hoạch 40-45kg, còn cách làm mới mang lại 65kg”.

Ông Ngân phân tích: “Để hạn chế sâu bệnh, phương pháp truyền thống phải sử dụng thuốc sâu 3-4 lần mỗi vụ (khoảng 1 tháng); nhưng với hệ thống lưới vây ngăn côn trùng, chỉ cần dùng thuốc 1 lần, giảm 80-90% lượng thuốc sâu”.

Ngoài ra, công nghệ tưới của Israel với công suất 2l/h đảm bảo nước được cung cấp đều đặn cho rau, không gây xói mòn hay phá vỡ cấu trúc đất, tiết kiệm tối đa lượng nước và nhân công. Do nước được cung cấp trực tiếp tới rễ nên rau nhanh lớn, sản lượng tăng cao. Với diện tích 1.000m2, người dân chỉ sử dụng 100g phân bón nano mỗi vụ là đủ để rau phát triển khỏe mạnh.

Ông Thanh chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi cần tới 3 người để trồng rau nhưng với mô hình này, một người là đủ đảm nhiệm, thậm chí vẫn còn thời gian để làm các công việc nhà nông khác”.

Chi phí đầu tư cho 1.000m2 trong mô hình khảo nghiệm là gần 300 triệu đồng, nhưng chi phí nhân rộng chỉ từ 80-85 triệu đồng cho 1.000m2.

Nhờ đảm bảo quy trình công nghệ và cho ra rau sạch, gia đình ông Thanh được Công ty dầu khí Vietsovpetro tiêu thụ sản phẩm. “Mỗi tháng tôi giao rau khoảng 3 lần, mỗi lần từ 1,8-2 tấn. Về giá cả thì công ty đã quy định ngay từ đầu nên luôn ổn định ở mức 9.000-10.000 đồng/kg” - ông Thanh nói. Với sản lượng và đầu ra ổn định như vậy, mỗi vụ rau, gia đình ông lãi từ 10-12 triệu đồng.

Nhân rộng quy mô, mở rộng chủng loại

Chia sẻ khó khăn trong quá trình triển khai mô hình trên, ông Trần Đình Ngân cho biết: “Làm tư tưởng để người dân hiểu và hợp tác trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật là một thách thức. Các hộ trồng rau thường có diện tích canh tác 2.000-3.000 m2, để họ đầu tư một số tiền lớn khi chưa nhìn thấy hiệu quả là rất khó. Rau khi ra thị trường lại bị thương lái, đầu nậu ép giá, đánh đồng với các loại rau không an toàn khác”.

Ông Đỗ Hữu Hiền - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN - cho biết, khó khăn này đã được tháo gỡ khi lãnh đạo Công ty dầu khí Vietsovpetro biết đến mô hình rau sạch này và đề nghị chuyển giao quy trình để công ty đầu tư tự sản xuất rau, phục vụ bữa ăn cho người lao động. Ông Hiền đã gợi ý Vietsovpetro thay vì mua quy trình thì nên liên kết với nông dân.

“Người dân đã nắm được quy trình trồng và chăm sóc rau. Vì vậy, chỉ cần công ty đầu tư trang thiết bị, đưa ra các yêu cầu cụ thể về chủng loại rau, quy định an toàn thực phẩm và bao tiêu sản phẩm thì hai bên đều có lợi. Vietsovpetro đã đồng ý và ký cam kết thu mua rau của các hộ dân” - ông Hiền hồ hởi kể. Theo ông, để đảm bảo chất lượng rau, đơn vị thu mua chỉ cần lắp đặt camera giám sát quy trình, nếu làm đúng quy trình mới bao tiêu sản phẩm.

Để nhân rộng kết quả trên, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN đã xây dựng thêm mô hình tương tự ở huyện Xuyên Mộc. Theo ông Đỗ Hữu Hiền, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã phê duyệt danh mục dự án cấp tỉnh triển khai mô hình trồng rau này ở huyện Côn Đảo với diện tích 5.000m2.

“Ở Côn Đảo, khí hậu ẩm ướt và hơi nước thường mặn hơn so với đất liền nên chúng tôi sẽ bổ sung nhà màn ở trên để che chắn. Chủng loại rau cũng được mở rộng thêm. Với mỗi loại rau, chúng tôi sẽ tính toán liều lượng phân bón, thuốc trừ sâu và tỷ lệ nước tưới, điều chỉnh cho phù hợp với từng điều kiện thời tiết, khí hậu để giúp cây tăng trưởng tốt nhất, cho sản lượng cao nhất” - ông Hiền nói.