Để đạt được mục tiêu sản xuất đạt 80.000 tấn tôm nuôi năm 2020 theo Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, nhất là khâu nuôi thương phẩm tôm là rất cần thiết.


Trong thời gian qua, với sự đầu tư, hỗ trợ tích cực từ nguồn vốn sự nghiệp KH&CN của tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang đã dần hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất tại các trại sản xuất, trong đó có Trại Thực nghiệm và Sản xuất giống thủy sản Thứ Sáu Biển (ấp Sáu Biển, xã Nam Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang).

Mới đây, tại Trại Thực nghiệm và Sản xuất giống thủy sản Thứ Sáu Biển đã diễn ra buổi hội thảo mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh hai giai đoạn trên hồ trải bạt đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đến tham dự Hội thảo có TS Đỗ Minh Nhựt - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ThS Nguyễn Thái Nguyên - Phó Giám đốc Sở KH&CN, ông Nguyễn Văn Hiển - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, lãnh đạo các Phòng NN&PTNT/Trạm Khuyến nông các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng và hơn 20 nông dân các huyện vùng U Minh Thượng. Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham quan quá trình thu hoạch tôm thực tế của 1 ao 500 m3, đạt khoảng 2,6 tấn, giá bán 115.000 đồng/kg. Theo tính toán sơ bộ ban đầu của Trại, sau khi trừ các chi phí sản xuất cho suốt quá trình nuôi 77 ngày, lãi khoảng 50 triệu đồng/ao. Theo đánh giá bước đầu của các nhà chuyên môn và người dân thì mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh hai giai đoạn trên hồ trải bạt mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, hạn chế việc xả nước thải gây ô nhiễm môi trường do nước thải được thu, xử lý và tái sử dụng cấp lại ao nuôi. Ngoài ra, quy trình sản xuất tuân thủ đúng theo yêu cầu chứng nhận VietGAP nên sản phẩm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông trình bày về các kỹ thuật áp dụng trong suốt quá trình nuôi, từ khâu đầu tư ao, vận hành ao đến chăm sóc quản lý tôm trong suốt quá trình nuôi, tư vấn thời điểm thu hoạch mang lại lợi ích kinh tế cao nhất. Người dân rất an tâm và tin tưởng về các quy trình kỹ thuật áp dụng trong quá trình nuôi do đã được “mắt thấy, tai nghe, tay sờ”, một số người dân đã mạnh dạn đầu tư hệ thống ao lót bạt để sản xuất theo công nghệ này như chú Tư Sùi, anh Khanh ở huyện An Minh. Tuy nhiên, vấn đề người dân quan tâm nhất là vốn đầu tư để sản xuất theo công nghệ này tương đối cao, khoảng 170-180 triệu đồng/ao 500m3, đây là bài toán khó cản trở việc nhân rộng mô hình cho người dân. Vì vậy, hiện tại chỉ có một số người dân có kinh tế khá mới có đủ lực để đầu tư. Các đại biểu tham dự đã kiến nghị các cơ quan chức năng tham mưu cho tỉnh có cơ chế hỗ trợ cao hơn cho các mô hình KH&CN hoặc cùng tham gia hướng dẫn người dân lập Đề án đầu tư sản xuất có tính khả thi cao để làm cơ sở kiến nghị ngân hàng có chính sách cho vay trung hạn với số vốn vay cao, lãi suất thấp để đầu tư sản xuất.

Phát biểu tại Hội thảo, ThS Nguyễn Thái Nguyên đề nghị Trung tâm Khuyến nông: (i) Tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện quy trình sản xuất nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh hai giai đoạn trên ao trải bạt đạt tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời tích cực hỗ trợ, chuyển giao quy trình kỹ thuật đến người dân để người dân vững tâm sản xuất; (ii) Tiếp tục nghiên cứu thêm các quy trình kỹ thuật mới, tiên tiến trên thế giới để đa dạng hóa quy trình sản xuất cho người dân tham khảo; (iii) Cần định hướng áp dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất thời gian tới.

Với những thành công bước đầu nêu trên, hy vọng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh hai giai đoạn trên ao trải bạt đạt tiêu chuẩn VietGAP sẽ tiếp tục mang lại nhiều hiệu quả cho người dân trong thời gian tới hơn.