BiHub – không gian khởi nghiệp Bình Định nằm ở vị trí đẹp nhất của trụ sở Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định, được kiến trúc sư Lê Phương – chủ tịch Hội doanh nhân Trẻ của tỉnh thiết kế rất công phu, sáng tạo. Ở đó, có một số giấc mơ bắt đầu thành hình…
Tinh thần “nghĩa quân”
Hỏi ông Lê Công Nhường, giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, chuyện khởi nghiệp xứ Tây Sơn có gì hay? Ông cười, cũng quyết tâm, cũng xây dựng kế hoạch dài hạn, cũng dành hết những gì có thể có cho khởi nghiệp, nhưng vẫn chưa đạt được kỳ vọng là những hậu nhân của anh em nhà Nguyễn Huệ - Nguyễn Nhạc – Nguyễn Lữ. Nghe có chiều thú vị, khi so sánh tinh thần khởi nghiệp với tinh thần… “ nghĩa quân”. Mà nghĩ lại, có phần rất giống. Đó chính là một tinh thần lãnh đạo, thủ lĩnh của những người “không có gì trong tay”, dựa vào sứ mệnh của cuộc sống để huy động sức mạnh của cộng đồng. Khởi nghiệp và nghĩa quân còn giống nhau ở việc đúng thời điểm, tốc độ và sự tăng trưởng nhanh chóng để khao khát trở thành người anh hùng của đám đông.
Hơn 40 lãnh đạo của các sở ban ngành, trường học trong tỉnh đến dự buổi trao đổi về phương thức vận hành hệ sinh thái khởi nghiệp dành cho cán bộ nhà nước. Như hầu hết các địa phương miền Trung khác, sự hiếu học hiện rõ lên trong từng người: tập trung, hỏi rất “căng” và phản biện cũng rất hào hứng.
Một câu chuyện được đem ra mổ xẻ đầy thú vị: chuyện cái ống hút tre của bạn Lê Thị Trâm, từng đoạt giải ba cuộc thi khởi nghiệp tỉnh năm 2018. Kiến trúc sư Lê Phương cho rằng, ý tưởng này không mới, vì đã có rất nhiều người làm rồi, sản phẩm cũng không có sức cạnh tranh gì đặc biệt…
Nhưng đó là nhìn cái sản phẩm thô để nói chuyện thôi, câu chuyện đằng sau sản phẩm này lại có nhiều điều đặc biệt. Lê Thị Trâm chẳng phải là một cô thôn nữ gắn cuộc đời với tre nên đi làm ống hút tre, cô là giảng viên khoa Hóa, Đại học Quy Nhơn. Vậy là người tiêu dùng có một lý do rất quan trọng để tin tưởng rằng thứ ống hút này đã được xử lý một cách an toàn cho sức khoẻ mình khi sử dụng, và có thể là một tiêu chí cơ bản nhất của việc đạt được những chứng nhận chất lượng về dài hạn, mà có chuẩn thì mới đi được xa, vào được những hệ thống bán hàng khó tính nhất. Thêm vào đó, cô gái này còn dám nghỉ việc, bỏ công việc giảng viên đại học ở một tỉnh miền Trung vốn luôn ăn chắc mặc bền là một quyết định mạnh mẽ và đầy áp lực. Và sự kiên cường này có thể đảm bảo cho chuyện theo đuổi dài hạn.
Ống hút tre có thể chưa thành công, thì còn bao nhiêu là thứ sản phẩm từ tre có thể thực hiện được, bao nhiêu mô hình gắn với cuộc sống nông nhàn mà các mẹ, các chị ở miền Trung có thể mang về làm để kiếm thêm chút thu nhập cho cuộc sống… Ông Huỳnh Kim Tước, chuyên gia khởi nghiệp, đưa cho Trâm xem một cái ảnh: một cái gọng mắt kính bằng tre, bán ở sân bay London, Anh với giá 800 bảng Anh. “Nó được làm bằng tre Việt Nam, tay nghề của thợ thủ công Việt Nam. Nhưng cách tiếp cận của sản phẩm này rất khác: họ muốn tôn vinh các giá trị đặc sắc của văn hóa Đông phương, và văn hóa đặc sắc thì không thể… bán rẻ được.
Lựa chọn con đường chiến lược
Khởi nghiệp ở Bình Định, cũng như nhiều tỉnh thành khác mà người viết có dịp đi qua, đều có chung một đặc điểm: các dự án cứ na ná nhau, thiếu vắng cố vấn đồng hành (mentor), chưa có nhà đầu tư thiên thần và các quỹ đầu tư mạo hiểm thì hoàn toàn không ghé ngang bao giờ. Nhưng với kinh nghiệm “vỡ đất hoang” của những miền khởi nghiệp mới, thì vẫn sẽ có những hạt giống tốt ở đâu đó cần được vun xới. Ông Tước nói: “Chỉ có một cách là tận dụng internet để có thể online hóa mọi hoạt động của Sài Gòn để đem đến cho Bình Định. Mentor không tiếc một hai giờ trò chuyện trực tuyến với các dự án ở xa có tiềm năng, nhưng không thể bay ra Quy Nhơn được. Nhà đầu tư trong và ngoài nước đều đang cố gắng săn tìm dự án khởi nghiệp, cần có những cuộc giới thiệu “hàng hóa khởi nghiệp” trực tuyến. Vậy nên, cần gắn kết Bihub với Sihub thông qua một cái cổng online là được”.
Ông Lê Công Nhường hỏi: “Đà Nẵng chọn mình là trung tâm khởi nghiệp bên bờ biển, Phú Yên đang cân nhắc với định hướng dược liệu, vậy Bình Định nên chọn hướng nào?” – “Vậy Bình Định có lợi thế cạnh tranh gì? À không, lợi thế cạnh tranh bất bình đẳng gì mà không có địa phương nào sao chép được?” – “Chúng tôi là nơi có Trung tâm Quốc tế và Giáo dục Liên ngành (ICISE) Quy Nhơn, nơi mà 16 nhà khoa học đoạt giải Nobel đã đến nói chuyện và làm việc, hơn 3.000 nhà khoa học thế giới tới lui suốt cả năm” – “Vậy đó chính là con đương ngắn nhất để khởi nghiệp Bình Định có thể tựa vào, để đi nhanh ra thế giới với nền tảng đồ sộ của những nghiên cứu khoa học mà trung tâm này đã nuôi dưỡng ra…”.