Mới đây, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Cục Biến đổi khí hậu, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Hải Phòng cùng phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Đánh giá thực trạng ảnh hưởng do biến đổi khí hậu đối với thành phố Hải Phòng và đề xuất những giải pháp phòng tránh, thích ứng, giảm thiểu thiệt hại”.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học trung ương và địa phương.
Trong khuôn khổ hội thảo, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường trình bày thực trạng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với thành phố Hải Phòng và đề xuất các giải pháp phòng tránh, thích ứng, giảm thiểu thiệt hại. Theo đó, biến đổi khí hậu đã và đang tiếp tục gây ra tình trạng: nhiệt độ trung bình tăng; mực nước biển dâng dẫn tới xâm nhập mặn; lượng mưa thay đổi; gia tăng số hiện tượng thời tiết/khí hậu cực đoan tại Hải Phòng. 4 kịch bản biến đổi khí hậu của thành phố được đưa ra là: kịch bản nồng độ khí nhà kính thấp, kịch bản nồng độ khí nhà kính trung bình thấp, kịch bản nồng độ khí nhà kính trung bình cao và kịch bản nồng độ khí nhà kính cao. Bên cạnh đó, chỉ ra các giải pháp phòng tránh, thích ứng, giảm thiểu thiệt hại mà thành phố đã, đang và dự kiến triển khai, gồm: ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện; phê duyệt kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; xây dựng kịch bản về biến đổi khí hậu và nước biển dâng của thành phố Hải Phòng đến năm 2025; xây dựng kịch bản các-bon thấp cho thành phố Hải Phòng; ban hành kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu tại Hải Phòng; triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp thành phố về giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các đề án, dự án; tổ chức các hội nghị tuyên truyền nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu.
Một số ý kiến tại hội thảo cho rằng, cần lồng ghép kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng vào các quy hoạch phát triển đô thị, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế và xây dựng của thành phố; cần có cách tiếp cận mới trong phát triển, đặc biệt cần coi nước lợ, nước mặn cũng là nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế - xã hội, từng bước áp dụng và phát triển năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sóng biển) - đây cũng là những lợi thế sẵn có của thành phố…
Hội thảo còn trình bày các tham luận về: Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với các hệ sinh thái biển Hải Phòng; Biến đổi khí hậu - Cơ hội và thách thức cùng nhiều tham luận về tác động của biến đổi khí hậu đối với sự phát triển của các ngành: nông nghiệp, công nghiệp, cảng biển đã cho thấy tác động của biến đổi khí đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và sự chuẩn bị ứng phó của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
(Sở KH&CN Hải Phòng)