Trong bản báo cáo tổng kết công tác hoạt động năm 2010-2016 và phương hướng hoạt động năm 2017 của tỉnh Hải Dương có một điểm đáng chú ý là tỉnh sẽ đẩy mạnh đầu tư cho KH&CN từ nguồn vốn ngân sách của tỉnh.
Giai đoạn từ năm 2010 - 2016, theo báo cáo của Sở KH&CN, Hải Dương đã có khá nhiều thành tựu trong hoạt động khoa học và công nghệ như đưa nhiều giải pháp khoa học trong lĩnh vực trồng trọt vào ứng dụng (gieo cấy theo phương thức một vùng, một giống, một thời gian, mô hình ánh đồng mẫu lớn, phát triển vùng sản xuất lúa hàng hóa, trồng ngô mật độ cao không làm đất kết hợp đặt bầu…., phục tráng giống và cải tạo vườn cây ăn quả bằng công nghẹ ghép chồi…); tiếp nhận và làm chủ công nghệ sản xuất một số giống lúa như Bắc thơm số 7 kháng bạc lá, lúa lai TH &-2…
Ngoài ra, sở KH&CN tỉnh đã đưa nhiều giống cây có giá trị sản xuất hàng hóa vào sản xuất như cà chua ghép gốc cà tím, khoai tây Sinora, bí xanh, dưa hấu F1 super Hoàn Châu, Thúy Đào 169, và các giống ngô nếp lai…Đã xây dựng được vườn cây ăn quả đầu dòng với 23 loại cây ăn quả quí hiếm như Vải thiều, nhãn sớm, nhẫn muôn, bưởi đào Thanh Hà, ổi, cam,..Song song với đó, tỉnh cũng đầu tư phát triển mở rộng vùng sản xuất các giống chè mới như Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên thay thế vườn chè giống cũ và vườn ché kém hiệu quả trên địa bàn.
Với đàn gia súc gia cầm, tỉnh đã áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật đồng bộ để nâng cao chất lượng đàn nuôi, phát triển các giống lợn ngoại, đưa giống gia cầm mới vào sản xuất thử nghiệm. Đặc biệt đã phát triển được nhãn hiệu tập thể “Gà đồi Chí Linh”.
Công tác quản lý, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tỉnh được quan tâm. Đến năm 2016 tỉnh đã xây dựng được 1 chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vải thiều Thanh Hà, 18 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông sản đặc sản và các sản phẩm nông sản, sản phẩm làng nghề khác như: Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn, Cà rốt Đức Chính (Cẩm Giàng), Gà đồi Chí Linh, Củ đậu Kim Thành, Sắn dây Kinh Môn, Bánh đa Hội Yên, Bánh gai Ninh Giang, Na Chí Linh, Bưởi Lập Lễ (Thanh Hà), Giầy da Hoàng Diệu (Gia Lộc), …
Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế được áp dụng tại nhiều doanh nghiệp và các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đến nay hầu hết các doanh nghiệp đã xác lập quyền sở hữu công nghiệp, quảng bá thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường; Hải Dương là tỉnh đứng thứ 8 trong toàn quốc về đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp.
Tỉnh đã xây dựng thành công một số mô hình phục vụ sản xuất và bảo vệ môi trường.
Sắp tới, ngoài việc tăng cường vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh cho các hoạt động KH&CN, Hải Dương sẽ huy động thêm nhiều nguồn lực đầu tư cho KH&CN, đẩy mạnh thị trường KH&CN tại địa phương, tiếp tục kiện toàn cơ quan quản lý và các tổ chức khoa học và công nghệ theo Luật Khoa học và Công nghệ mới sửa đổi, đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH&CN trong các ngành kinh tế - kỹ thuật của tỉnh, tập trung đầu tư trong việc nghiên cứu, rà soát, lập quy hoạch phát triển từng cây trồng chủ lực, vùng sản xuất hàng hoá tập trung trên phạm vi toàn tỉnh và của từng địa phương trong tỉnh.
Hải Dương tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đối với cây rau và cây hoa. Mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường, nhất là đối với những thủy sản cho giá trị cao, nghiên cứu để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung , tập trung hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa đối với các sản phẩm nông nghiệp đặc thù, có thế mạnh của tỉnh.