Trong tự nhiên có rất nhiều loài hoa Lan rừng sinh trưởng và phát triển khác nhau với điều kiện khí hậu đa dạng của mỗi vùng miền. Đối với tỉnh Hà Giang, điều kiện khí hậu đặc thù, là nơi khởi nguồn của nhiều chủng loại hoa Lan quý như: Lan Hài, Hạc vĩ, Trầm tím, Hoàng Lạp, Quế Lan Hương, Vảy Rồng, Trần Mộng, Mạc Biên, Thanh Ngọc, Bạch lan…
Các loại Lan đã được người dân vào rừng khai thác và mang về bán. Việc khai thác, bán Lan rừng mang lại cho người dân nguồn thu nhập đáng kể nhưng cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, hủy diệt đa dạng sinh học của các loài Lan, nhất là các giống Lan quý hiếm đang có nguy cơ mất dần hoặc tuyệt chủng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có một số nhà vườn đã thu thập và phát triển một số loại Lan để bán, nhưng việc thu thập, trồng vẫn còn trong điều kiện hết sức đơn giản, chưa có tác động của khoa học kỹ thuật, vì thế sản phẩm hoa Lan chất lượng thấp, giá trị kinh tế chưa cao. Việc làm này không những không bảo tồn được nguồn gen mà còn có nguy cơ mất dần nguồn gen bản địa quý của Hà Giang. Trước thực trạng Lan rừng bị khai thác và có nguy cơ cạn kiệt trong tự nhiên, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa cây cảnh thuộc Viện Nghiên cứu Rau quả phối hợp với Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ mới tỉnh Hà Giang xây dựng Đề tài Khoa học “Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển một số loài Lan rừng thu thập tại tỉnh Hà Giang”. Đề tài được triển khai từ tháng 8/2017 với mục tiêu nghiên cứu, thu thập, bảo tồn một số loài Lan rừng tại Hà Giang nhằm lưu giữ nguồn nguyên liệu gốc để nhân giống và phát triển các loài Lan quý, hiếm, có giá trị kinh tế. Từ đó, góp phần bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển du lịch của tỉnh.
Đề tài nghiên cứu, thu thập bảo tồn và phát triển một số loài Lan rừng tại Hà Giang được thực hiện điều tra, thu thập nguồn giống Lan rừng tại 5 huyện và thành phố của tỉnh Hà Giang bao gồm: Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Đồng Văn và thành phố Hà Giang. Trên cơ sở đó đề tài tiến hành điều tra thu thập nguồn gen hoa Lan: Tại mỗi huyện chọn từ 3 - 5 điểm điều tra, mỗi điểm điều tra 2 - 3 hộ gia đình đang trồng hoa Lan, thu thập được nguồn gen của 20 loại hoa Lan, mỗi loại 20 giỏ/chậu, tổng số cây thu thập 400 giỏ/chậu; đánh giá sinh trưởng phát triển và mô tả đặc điểm nông sinh học của các loài hoa Lan thu thập với quy mô thực hiện là 500m2, được thực hiện tại xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ nhằm đánh giá được khả năng sinh trưởng, phát triển của các loại Lan thu thập được và mô tả được đặc điểm thực vật học của các loại Lan thu thập để đưa vào vườn lưu giữ, bảo tồn. Hoàn thiện được quy trình trồng, chăm sóc cây Lan phù hợp với điều kiện tự nhiên tại Hà Giang, qua đó, xây dựng vườn lưu giữ bảo tồn mẫu giống hoa Lan thu thập được trên địa bàn tỉnh.
Lan rừng là một loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, trên cơ sở nghiên cứu, kết quả đề tài sẽ là tài liệu khoa học về số lượng loài, sự phân bố, đặc điểm sinh học của hoa Lan tại Hà Giang, là tài liệu tham khảo có giá trị cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và giảng dạy trên địa bàn tỉnh và trên cả nước. Đề tài sẽ góp phần đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất hoa Lan tại địa phương làm thay đổi tập quán canh tác truyền thống, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường; là cơ sở để phát triển sản xuất mở rộng một số loài Lan có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương và tham gia vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất nói chung và ngành sản xuất hoa nói riêng. Ngoài ra, các kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở cho việc phát triển ngành sản xuất hoa Lan thương phẩm đặc hữu của Hà Giang, nâng cao được giá trị sản phẩm trên thị trường. Từ đó thúc đẩy kinh tế hộ gia đình của người dân địa phương, đồng thời tạo được thêm việc làm cho người dân, góp phần ổn định xã hội; đề tài góp phần lưu giữ, bảo tồn, phát triển được các loài Lan quý của địa phương, tạo môi trường sinh thái xanh, sạch đẹp thu hút khách du lịch.
PV-Sở KH&CN Hà Giang