Việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu cà phê Cầu Đất đang được tỉnh Lâm Đồng gấp rút thực hiện nhằm phát triển ổn định và bền vững nghề canh tác truyền thống có lịch sử hơn 100 năm của địa phương.
Mối lo suy giảm diện tích
Ở độ cao trên 1.500 m so với mặt nước biển, có khí hậu và thổ nhưỡng đặc biệt nên Cầu Đất được xem là vùng đắc địa, lý tưởng nhất cho giống cà phê Arabica phát triển.
Diện tích vùng cà phê Cầu Đất đang ngày cang bị thu hẹp dần
Khu vực Cầu Đất bao gồm diện tích đất sản xuất thuộc địa phận hai xã Xuân Trường, Trạm Hành và vùng phụ cận chủ yếu thuộc xã Xuân Thọ (TP Đà Lạt ) với diện tích khoảng hơn 3.000 ha. Tuy nhiên, hiện nay, có thể dễ dàng thấy, một phần diện tích không nhỏ ở khu vực này đã được bà con chuyển qua trồng rau, hoa.
Dọc theo xã Trạm Hành, dễ dàng quan sát thấy không ít diện tích nhà kính trồng rau, hoa được dựng lên ngay giữa các đồi cà phê. Lão nông Lưu Văn Phát khẳng định: “Thôn Phát Chi nói riêng và nhiều thôn khác trong xã nói chung, nhà nào cũng chuyển đổi sang trồng rau, hoa. Nhà có điều kiện thì chuyển đổi nhiều, nhà khó khăn hơn thì chuyển đổi ít. Dần dần người ta cũng sẽ chuyển đổi hết”.
Lý giải điều này, ông Võ Khanh, GĐ HTX cà phê Cầu Đất cho hay: Cà phê Arabica rất khó tính, dễ bị sâu bệnh tấn công, chi phí đầu tư nhiều và rất dễ bị tổn thương khi nhiệt độ quá lạnh hoặc chăm sóc không đúng cách...
Với sản lượng cà phê hiện nay, trung bình 1 ha sẽ cho thu 10 tấn quả. Giá cà phê 10.000 đồng/kg quả tươi được cho là mức giá tốt. Với mức giá đó người nông dân sẽ thu về khoảng 100 triệu đồng/năm (chưa trừ chi phí). Trong khi đó với việc sản xuất rau hoa, lợi nhuận thu về khả quan hơn. Do đó, nông dân Cầu Đất không mặn mà giữ lại diện tích cây cà phê là điều dễ hiểu.
Giữ diện tích, đưa thương hiệu bay xa
Mới đây, HTX Cà phê Cầu Đất Đà Lạt cho hay, HTX đã có đơn hàng xuất khẩu cà phê hạt sang thị trường Hàn Quốc. Hạt cà phê được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc là cà phê Green Fairtrade đã được chứng nhận Thương mại Công bằng.
Cà phê Arabica Cầu Đất đang được sản xuất tiêu chuẩn ISO: 9000, ISO: 14000; HACCP… hướng đến xuất khẩu.
Hạt cà phê Arabica được trồng theo tiêu chuẩn Fairtrade, chất lượng cà phê ngon và sạch, có hỗ trợ người nông dân về giá thu mua, đào tạo tập huấn cho nông hộ về kỹ thuật canh tác.
Ông Võ Khanh cho hay, tuy đơn hàng ban đầu chỉ 7 tấn nhưng đây là tín hiệu đáng mừng cho tương lai của cà phê Fairtrade. Được biết, HTX Cầu Đất đã tham gia vào Mạng lưới cà phê Công bằng thế giới từ năm 2015 với 30 thành viên và sản lượng 130 tấn nhân/năm.
Ngay sau khi có thông tin tập đoàn Starbucks đưa cà phê Đà Lạt vào hệ thống, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch phấn đấu đến năm 2020 địa phương sẽ có khoảng 30.000 ha cà phê Arabica. Hiện địa phương đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm biến khu vực Nam Tây Nguyên trở thành một trong những vùng sản xuất cà phê Arabica ngon nhất thế giới.
Theo Phòng Kinh tế TP Đà Lạt, giải pháp trước hết để nâng cao giá trị sản phẩm cà phê chè trong thời gian tới là tiếp tục lựa chọn các giống cà phê có năng suất, chất lượng cao để cải tạo, trồng mới thay thế diện tích cà phê chè đã già cỗi, đồng thời xây dựng và hoàn thiện mô hình thâm canh kỹ thuật mới để chuyển giao rộng rãi cho nông dân.
Việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu cà phê Cầu Đất cũng đang được tỉnh Lâm Đồng gấp rút thực hiện.