Đó là câu chuyện về anh Ya Drick (sinh năm 1984), người dân tộc Chu Ru, ngụ tại thôn M’Răng, xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương với mô hình chăn nuôi heo nái cao sản trên đệm lót sinh học, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Được biết, anh đang đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lạc Lâm và anh cũng là một trong những thanh niên tiêu biểu, đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình của thôn M’Răng với mức thu nhập cao.

lam-dong-chang-trai-tre-vuot-kho-lam-giau

Anh Ya Drick và khu chuồng trại nuôi heo nái cao sản trên đệm lót sinh học của anh. Ảnh: Yến Thy

Năm 2014, anh mạnh dạn quyết định đầu tư vốn, xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo nái cao sản trên đệm lót sinh học theo hướng sản xuất hàng hóa để phát triển kinh tế. Chân ướt chân ráo bước vào chăn nuôi heo nái cao sản, anh gặp rất nhiều khó khăn về vốn, kỹ thuật cũng như kinh nghiệm chăn nuôi còn hạn chế. Bằng ý chí, nghị lực của mình, bước đầu anh đã thành công với mô hình này và đem lại thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Anh chia sẻ: “Ban đầu gia đình tôi cũng chăn nuôi heo nái trên đệm lót sinh học nhưng với quy mô nhỏ, nhận thấy mô hình này có tiềm năng phát triển kinh tế, chính vì vậy tôi đã quyết định chăn nuôi heo nái cao sản trên đệm lót sinh học. Hiện tại, heo nái bán làm thịt được tôi lấy giống từ heo Duroc của Mỹ và nuôi trong khoảng 4 tháng có thể xuất bán, với giá bán 60.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, heo con được bán làm nái lấy giống từ heo Landrace Đan Mạch, heo đạt trọng lượng từ 8 – 15 kg, được bán với giá 2 triệu đồng/con, thị trường tiêu thụ chủ yếu trong và ngoài huyện Đơn Dương. Trang trại có 30 con heo nái, trung bình mỗi năm heo nái đẻ 2 lứa, mỗi lứa đẻ 8 – 10 con”.

Khu chuồng trại của gia đình anh được xây dựng khá thoáng mát và theo mô hình khép kín, ngoài nuôi heo anh còn kết hợp nuôi gà và trồng rau, góp phần làm tăng thêm thu nhập cho gia đình. Nuôi heo nái trên đệm lót sinh học không phải tắm rửa, thức ăn chủ yếu của heo là gạo và bắp trộn đều với nhau để ủ lên men cho heo ăn chứ không phải nấu, khác hẳn với cách chăn nuôi heo truyền thống trước đây, vừa giảm được công chăm sóc, giữ vệ sinh môi trường và giảm bệnh tật hiệu quả, cắt giảm được nhiều chi phí chăn nuôi như chi phí điện nước, xây dựng hệ thống thoát nước thải…

Được biết, thông qua các lớp tập huấn, hội thảo tại địa phương, anh đã áp dụng thành công kỹ thuật vào chăn nuôi và tự làm vacxin cho heo. Ngoài ra, anh còn trực tiếp lấy tinh ở các trang trại heo sản xuất tinh và về tự phối tinh cho heo nái với mục đích tạo ra heo giống đạt chất lượng. Nhận thấy hiệu quả nuôi heo nái trên đệm lót sinh học mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh đã cung cấp thông tin và hỗ trợ cho các hộ nông dân khác có nhu cầu nuôi heo nái trên địa bàn. Anh Ya Drick cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng mô hình chăn nuôi heo nái cao sản trên đệm lót sinh học.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lạc Lâm cho biết: “Mô hình nuôi heo nái cao sản trên đệm lót sinh học của anh Ya Drick, chính là bước đi mạnh dạn đầu tư tại địa phương. Dù tuổi đời còn trẻ nhưng anh đã thành công với mô hình này, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, là tấm gương sáng để người dân học tập, đồng thời giúp cho người dân mở thêm hướng đi mới cho kinh tế hộ”.