Bảo tồn thành công giống quý
Ông Trần Quốc Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Phong - cho biết, gà móng Tiên Phong thịt đậm, dai, da giòn và ít mỡ. Giống này thích nghi tốt với thời tiết nóng, lạnh, chống chịu bệnh tật tốt, phù hợp chăn thả vườn. Gà đạt trọng lượng tốt nhất (2,5-4kg/con) sau khoảng 8-10 tháng.
Đầu năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể (NHTT) “gà móng Tiên Phong” cho Hiệp hội chăn nuôi và kinh doanh gà móng Tiên Phong. Ông Trần Xuân Xưởng - một hộ nuôi gà trong xã - chia sẻ: “Gia đình tôi đang nuôi 150 gà mái đẻ. Từ khi có NHTT, giá trị thương hiệu của con gà móng được nâng lên rất nhiều”.
Ông Trần Xuân Xưởng - Tiên Phong, Duy Tiên, Hà Nam - giới thiệu về đàn gà móng của mình. Ảnh: Đình Việt
Từ năm 2005-2016, Viện Chăn nuôi thực hiện dự án bảo tồn gene gà móng Tiên Phong và thí điểm quy trình kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, nhân giống tại trại gà của ông Nguyễn Văn Thắm.
Tiến sỹ Ngô Thị Kim Cúc - Trưởng bộ môn Di truyền giống, Viện Chăn nuôi - chia sẻ: “Chúng tôi đã chọn lọc để giữ lại những cá thể có độ thuần chủng cao (loại những con không thuần chủng, chậm lớn, hay mắc bệnh, trọng lượng nhỏ) và nhân giống để tăng đàn. Một số cá thể gà chất lượng tốt được đưa lên bảo tồn giống tại Viện Chăn nuôi”; nhờ đó, trọng lượng và chất lượng gà tăng lên. Người dân nắm chắc quy trình nuôi, chọn được những cá thể có ngoại hình đặc trưng của giống nên có sự đồng đều cao về sắc lông. Tỷ lệ ấp nở tăng từ 70% lên 78%.
Ông Thắng chia sẻ thêm: “Nhiều địa phương khác mua con giống về nuôi nhưng gà không được ngon như sản phẩm của xã Tiên Phong. Hiện 97% số hộ trong xã nuôi gà móng, số gà được phát triển lên khoảng 20.000 con”.
Giá bán chưa tương xứng với giá trị
Ông Thắm - chủ trại gà 6.000 con - chia sẻ về khó khăn trong tiêu thụ: “Chúng tôi đang bán gà với giá chỉ 120.000 đồng/kg. Gà móng ngon nhưng mấy ai biết nó ngon đâu. Tuy có NHTT nhưng chưa khai thác hiệu quả, chưa được nhiều người biết đến. Thị trường lại có sản phẩm mạo danh gà móng Tiên Phong nên uy tín của đặc sản bị ảnh hưởng”.
Theo ông Trần Quốc Thắng, thời gian nuôi gà móng kéo dài, đầu tư khá lớn, chi phí cao trong khi giá thành phẩm thấp nên người dân chưa có lãi nhiều: “Hiện các hộ vẫn kinh doanh tự phát nên bán khó, thị trường có nhiều giống gà nên dễ bị đánh đồng. Do đó, giá trị của gà móng Tiên Phong chưa được khẳng định. Theo tôi, muốn tăng giá trị, cần đẩy thương hiệu lên, tăng cường giới thiệu sản phẩm để đưa được vào các nhà hàng, siêu thị, khách sạn thì mới có giá cao”.
Đàn gà móng nhà ông Trần Xuân Xưởng. Ảnh: Đình Việt
Đồng tình với quan điểm này, ông Thắm nói: “Cần đưa gà vào siêu thị và kiểm dịch cẩn thận để khẳng định thương hiệu. Nếu mang ra chợ dù người bán nói hay ho thế nào, khách hàng cũng không dám tin”.
Chủ tịch xã Tiên Phong cho biết: “Chúng tôi dự tính sẽ đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi, xây dựng dây chuyền sản xuất tập trung, dây chuyền giết mổ, hỗ trợ xúc tiến thương mại để mang sản phẩm tới các siêu thị. Đây là giống gà thả vườn nên không thể nuôi 100% công nghiệp, địa phương cần vận động bà con phát triển chăn nuôi theo đàn” .
Còn ông Nguyễn Văn Út - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN và Kiểm định, Kiểm nghiệm (Sở KH&CN Hà Nam) - cho rằng: “Không dễ để được cấp nhãn hiệu tập thể, vì thế khi có rồi thì phải đẩy mạnh, phát huy thương hiệu. Chính quyền địa phương nên ủng hộ bà con duy trì giống gà để tránh bị lai tạp, đồng thời xúc tiến việc tìm đầu mối tiêu thụ cùng với người dân”.