Hải Hậu được bao bọc bởi hệ thống sông Ninh Cơ và sông Sò. Đặc điểm khí hậu của huyện là khí hậu gió mùa, một năm có hai mùa rõ rệt. Với 70% diện tích tự nhiên của huyện là đất nông nghiệp, được tích tụ và bồi đắp của hệ thống sông Thái Bình.
Gạo Tám xoan Hải Hậu là một đặc sản truyền thống nổi tiếng, được sản xuất trong một khu vực địa lý của huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Từ thời phong kiến, gạo Tám xoan Hải Hậu đã được dùng để cung tiến triều đình, nổi tiếng là gạo tiến vua.
1. Yếu tố tự nhiên
Địa hình, địa mạo
Hải Hậu là huyện được hình thành và bồi đắp bởi hệ thống phù sa sông Thái Bình (cụ thể là đất đai được tưới và bổ sung đất phù sa của sông Ninh Cơ), đây là vùng đồng bằng nông nghiệp có điều kiện đặc trưng của vùng sinh thái ven biển trong những hệ thống sản xuất nông nghiệp của Đồng Bằng Sông Hồng.
Là một vùng đất cửa sông và giáp biển nên đất đai của huyện có địa hình tương đối bằng phẳng, cốt đất phổ biến từ 0,5m - 0,7m, chất đất màu mỡ nhiều dinh dưỡng với thành phần cơ giới trung bình. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển cây lúa nói chung và đặc biệt là cây lúa Tám xoan nói riêng.
Điều kiện về sông ngòi
Hải Hậu được bao bọc bởi hệ thống sông Ninh Cơ và sông Sò, ngoài ra với 32km đê biển, 31km đê sông lớn với hàng chục sông đào như sông Múc, sông Trệ, sông Cửa Khúc, sông Xẻ Giữa, sông Xẻ Tây, Xẻ Đông... đã tạo nên cho huyện một hệ thống thuỷ lợi rất tốt, thuận lợi cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp.
Điều kiện về khí hậu
Hải Hậu là một vùng đặc trưng cho kiểu vùng sinh thái ven biển của Đồng Bằng Sông Hồng, do vậy đặc điểm khí hậu của huyện là khí hậu gió mùa, một năm có hai mùa rõ rệt:
Mùa khô bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau: Thời tiết vào mùa này chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông bắc, mưa phùn, thiếu ánh sáng và ẩm ướt;
Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến hết tháng 9: Mùa này chịu ảnh hưởng của gió Đông Nam, nhiệt độ nóng, mưa nhiều và có bão.
Nhìn chung khí hậu của huyện thuận tiện cho sản xuất nông nghiệp, là một vùng ven biển với hệ thống ruộng chủ yếu là vàn cao và vàn thấp, chỉ có một số diện tích nhỏ bị nhiễm mặn vì vậy rất thuận lợi cho sự phát triển các loại cây trồng, chủ yếu là cây lúa.
Điều kiện về đất đai
Với 70% diện tích tự nhiên của huyện là đất nông nghiệp, được tích tụ và bồi đắp của hệ thống sông Thái Bình nên đất đai của huyện được phân chia làm nhiều vùng khác nhau tuỳ theo thời gian tích tụ của phù sa và vị trí của vùng nằm trong vùng ảnh hưởng của các hệ thống sông và biển. Nhìn chung đất đai của Hải Hậu có thành phần cơ giới trung bình (chiếm 70% diện tích) và với 91,4% diện tích là vùng đất giầu chất dinh dưỡng.
2. Yếu tố con người
Hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh
Hải Hậu được bao bọc bởi hệ thống sông Ninh Cơ và sông Sò, ngoài ra với 32km đê biển, 31km đê sông lớn với hàng chục sông đào như sông Múc, sông Trệ, sông Cửa Khúc, sông Xẻ Giữa, sông Xẻ Tây, Xẻ Đông... đã tạo nên cho huyện một hệ thống thuỷ lợi rất tốt, thuận lợi cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp.
Nước tưới cho ruộng lúa Tám xoan chủ yếu là nước phù sa sông Ninh Cơ, con sông chảy qua huyện Xuân Trường - Nam Định. Do được tưới nước phù sa hàng năm với cường độ cao (tối thiểu 14-18 lần/1 vụ lúa) nên đất trồng lúa Tám xoan được cải tạo thường xuyên, hàm lượng chất dinh dưỡng trong đất cao.
Kỹ thuật canh tác truyền thống của người dân địa phương
Kinh nghiệm chọn giống cổ truyền của dân gian và những tiến bộ trong chọn lọc giống hiện nay đã dần phục tráng được giống lúa Tám xoan theo đúng tiêu bản ngày xưa.
Bên cạnh đó, tập quán bón phân chuồng và phân xanh trong quy trình bón phân cho lúa là những yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến chất lượng đặc thù của sản phẩm lúa Tám xoan Hải Hậu.