Xâm nhập mặn là đang là vấn đề lớn của các tỉnh miền Trung nói chung và Quảng Nam nói riêng, đặc biệt dưới sự biến đổi khí hậu.

Sở Khoa học&Công nghệ (KH&CN) tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức Hội thảo đánh giá và tìm giải pháp ứng phó với thực trạng, diễn biến xâm nhập mặn đất và nước tại vùng ven biển trên địa bàn tỉnh với sự tham dự của các nhà khoa học và nhà quản lý trong và ngoài tỉnh.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu diễn biến xâm nhập mặn (đất và nước) vùng ven biển tỉnh Quảng Nam, đề xuất giải pháp ứng phó” do Thạc sĩ Hoàng Thanh Sơn (Viện Địa Lý) chủ nhiệm.

Xâm nhập mặn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp (Ảnh minh họa)
Xâm nhập mặn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp (Ảnh minh họa)

Xâm nhập mặn là đang là vấn đề lớn của các tỉnh miền Trung nói chung và Quảng Nam nói riêng, đặc biệt dưới sự biến đổi khí hậu.

Tại Quảng Nam, vùng ven biển có chiều dài 125km, đi qua 6 địa phương: Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ và Núi Thành. Dưới tác động của nước biển, nguồn nước tại các địa phương nói trên thường bị nhiễm mặn vào mùa khô, với diện tích nhiễm mặn lên đến 3.687 ha, trên 10% diện tích đất là cát.

Trong những năm qua, Quảng Nam đã huy động nguồn lực không nhỏ để ứng phó với xâm nhập mặn vùng ven biển. Hiện tượng này ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp, có nguy cơ gây nhiễm mặn nguồn nước dân sinh tại Quảng Nam và Đà Nẵng, đe dọa đời sống dân sinh tại các địa phương này.

Để đánh giá hiện trạng xâm nhập mặn, Thạc sĩ Hoàng Thanh Sơn và các cộng sự đã ứng dụng phương pháp địa vật lý (radar xuyên đất GPR); sử dụng tư liệu viễn thám để đánh giá độ mặn của đất và nước; xác định các nguyên nhân của hiện tượng xâm nhập mặn vùng ven biển, bao gồm cả yếu tố tự nhiên và kinh tế - xã hội để dự tính hiện trạng xâm nhập mặn tại địa phương ven biển đến năm 2030.

Nhóm nghiên cứu sẽ xây dựng bản đồ tỷ lệ 1/100.000 ranh giới xâm nhập mặn trung bình giai đoạn 2000-2015; đánh giá hiện trạng xâm nhập mặn nước dưới đất; xây dựng bản đồ tỷ lệ 1/100.000 ranh giới mặn nước dưới đất.

Từ kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp ứng phó công trình và phi công trình; xây dựng bản đồ dự tính xâm nhập mặn trên sông và đất liền nhiễm mặn đến năm 2030; xây dựng webiste giám sát và cảnh báo xâm nhập mặn trên sông và đất nhiễm mặn vùng ven biển, làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.