Thay vì nuôi độc canh, nông dân tỉnh Kiên Giang đã chọn mô hình nuôi ghép nhiều đối tượng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nuôi ghép tôm càng xanh với lúa, cá mang lại giá trị cao

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, các mô hình nuôi ghép thủy sản trên địa bàn tỉnh ngày càng đa dạng, kể cả nước lợ và nước ngọt, như: tôm sú – lúa, tôm sú – cua biển – lúa, tôm sú – sò huyết, tôm sú – sò huyết – rừng, tôm sú – cua biển – sò – rừng, tôm càng xanh – lúa, tôm càng xanh – cá, cá – lúa, cá – rừng... Các mô hình này đã tận dụng khai thác tốt tiềm năng của đất và mặt nước, tạo ra sản phẩm sạch cho thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng diện tích.

Việc đa dạng các loại hình nuôi đã góp phần tăng diện tích, năng suất và sản lượng thủy sản của tỉnh. Thống kê cho thấy, diện tích nuôi trồng thủy sản của Kiên Giang tăng từ 159.175ha (năm 2014) lên 221.580ha (năm 2016), tốc độ tăng bình quân 18,3%/năm. Sản lượng tăng tương ứng từ 136.626 tấn lên 196.049 tấn, tốc độ tăng bình quân 20,5%/năm. Trong đó, các đối tượng thủy sản chủ lực là tôm nước lợ, cá lồng bè, nhuyễn thể, tốc độ tăng hằng năm từ 10,4-40,6%.