Bằng sự đam mê và sáng tạo, ông Nguyễn Đình Giang, cựu chiến binh đất Hải Dương không chỉ nâng cao giá trị thương phẩm cho chiếc bánh đậu xanh quê hương mà còn góp phần tạo việc làm cho người dân nơi đây.

Sinh năm 1957 tại Cẩm Giàng, Hải Dương, sau những năm tháng hoạt động trong quân ngũ, ông Nguyễn Đình Giang trở về làm trưởng tàu thống nhất Bắc Nam. Sau khi nhà nước có cơ chế mở về phát triển kinh tế, năm 1994, ông xin về hưu non ở tuổi 37 để làm bánh đậu xanh - một trong những đặc sản truyền thống của Hải Dương.

Khởi nghiệp với số vốn khoảng 30 triệu đồng, từ một cơ sở chỉ có 10 nhân công năm 1995, năm 1998 đăng ký thành lập công ty, đến nay, cơ sở sản xuất bánh đậu xanh của ông Giang đã mang lại việc làm cho trên 300 nhân công địa phương.


Ông Nguyễn Đình Giang luôn giữ được sự say mê với nghề làm bánh đậu xanh. Ảnh: Bizmedia.

Ông Giang chia sẻ: "Tôi bắt đầu học làm bánh đậu xanh từ thời còn đi tàu Bắc Nam. Do đặc thù công việc cứ một tuần đi liên tục lại một tuần nghỉ nên tranh thủ thời gian này để học cách làm". Ông từng có những ngày lặn lội đi học hỏi nhiều nghệ nhân làm bánh ở Hải Dương, đồng thời tự mày mò, sáng tạo thêm để tìm ra công thức riêng của mình. Những nỗ lực đó được đáp lại bằng sự ra đời của thương hiệu bánh đậu xanh Gia Bảo.

Trong quá trình sản xuất, ông Giang từng băn khoăn việc làm sao để bánh giữ được hương vị truyền thống như các cụ đã làm mà vẫn có thể để được lâu. Mặt khác, trước kia, các cụ sử dụng mỡ lợn để trộn vào bánh, tuy nhiên, hiện nay, nhiều nguồn mỡ không còn đảm bảo chất lượng nên không thể sử dụng. Để khắc phục những điều này, ông Giang tìm cáchthay mỡ lợn bằng dầu thực vật mà không làm ảnh hưởng đến hương vị. Ngoài ra, ông còn áp dụng phương pháp gói bánh trong giấy bạc để bảo quản tới 2 tháng, đồng thời đóng gói tiện dụng khi vận chuyển xa.

polyad

Bánh được làm từ nguyên liệu chính là đậu xanh. Ảnh: Bizmedia.

Công ty của ông cũng áp dụng quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng tới xuất khẩu bánh đậu xanh ra thị trường nước ngoài.Để đảm bảo nguồn sản phẩm sạch, các khâu sản xuất đều được đầu tư máy móc hiện đại. Cụ thể, nhiệt độ rang, tốc độ của dây chuyền được thiết kế vừa vặn để cho ra mẻ đậu chín vừa độ. Đậu xanh sau khi xay thành bột và phối trộn nguyên liệu được đi qua hệ thống tiệt trùng bằng tia cực tím để loại bỏ vi khuẩn.

Toàn bộ quy trình diễn ra trong khu vực nhà xưởng khép kín, vệ sinh đều đặn hàng ngày. Công nhân ra vào khu vực làm việc đều phải mặc trang phục lao động đã được khử trùng để tránh nhiễm khuẩn theo tiêu chuẩn ISO 9001-2008. Ngoài ra, chỉ khâu đóng gói cuối cùng là vẫn được thực hiện bằng tay để đảm bảo mẫu mã.

polyad

Khâu gói bánh được làm bằng tay. Ảnh: Bizmedia.

Về xử lý chất thải sản xuất, ông cho biết, toàn bộ phần vỏ đậu xanh được bán cho đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, quy trình sản xuất hầu như sử dụng ít nước, đồng thời không dùng bất cứ phụ gia, phụ phẩm nào nên lượng nước thải dễ dàng xử lý trước khi đưa ra môi trường.

Hiện nay, ngoài bánh đậu xanh, ông Giang còn sản xuất bột đậu xanh, bột đậu đen, bột đậu nành... Năm 2017, công ty dự định sản xuất thêm nhiều mẫu mã bánh đậu xanh để đáp ứng thị hiếu, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường.