Để có được cây hồng không hạt cho sai quả, mang chất lượng tuyệt hảo được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng thì người dân phải chịu trăm ngàn khổ cực trong việc trồng, chăm sóc cây từ khi còn bé cho tới khi cho quả.

Công đoạn nhân giống

Hồng không hạt Bảo Lâm là giống hồng không có hạt nên không thể nhân giống bằng hạt, chỉ có thể nhân giống bằng phương pháp tách rễ hoặc bằng phương pháp ghép cành.

Phương pháp nhân giống bằng hom (phương pháp tách rễ), thời gian được tiến hành vào tháng 1. Chọn cây hồng trưởng thành, cây hồng già, ít hao quả (gọi là cây hồng mẹ). Lựa chọn rễ nước, sau đó đào cả bộ rễ lên, cắt từng khúc dài từ 20 đến 25cm rồi đem trồng ra vườn ươm.

Kích thước của hom rễ (khúc rễ) phải có đường kính lớn hơn hoặc bằng 1cm. Khi đào rễ chặt khúc, chuẩn bị một ít vôi đã tôi để đánh dấu đầu rễ trên và dưới của mỗi hom (khúc) rễ đã cắt ra. Đầu trên là đầu rễ gần thân nhất và đầu dưới là đầu xa thân nhất.

1
Kiểm soát chất lượng cây hồng con trước khi bàn giao cho nông dân.

Cách nhân giống bằng phương pháp ghép cành: thường được tiến hành vào vụ Xuân (tháng 3 đến tháng 4) hoặc vụ Thu (tháng 8 đến tháng 9), không ghép vào ngày mưa. Cây gốc ghép được nảy mầm từ hạt hồng của cây hồng hạt địa phương. Cành ghép được lấy từ cây hồng không hạt Bảo Lâm đã ra quả ổn định, độ tuổi cây từ 15 - 20 năm, cây cho quả có mẫu mã đẹp, đồng đều, năng suất cao, ổn định, cây sinh trưởng khỏe, khả năng kháng sâu bệnh cao.

Trước khi ghép 1 tuần, vệ sinh vườn cây gốc ghép, cắt cành phụ ở đoạn cách mặt đất 10 – 20 cm, làm sạch cỏ, bón phân, tưới nước lần cuối cùng để cây vận chuyển nhựa tốt. Chọn những cành ghép màu nâu (bánh tẻ), lá to, mầm ngủ to. Sau khi cắt cành ghép, loại bỏ hết lá, bó lại từng bó bằng bẹ chuối tươi hoặc giẻ ẩm để mang đến vườn ươm. Sau khi ghép 30 - 35 ngày, cây có thể bật mầm (mầm tự đâm thủng nilông). Trong trường hợp mầm khó đâm thủng, dùng dao nhọn và sắc đâm thủng ngay đầu mầm.

Khi mầm cành ghép mọc được 1 – 2 cm, tiến hành phun thuốc trừ sâu. Khi mầm cành ghép vươn cao 15 – 20 cm, tiến hành làm cỏ vun gốc và bón phân (1 tháng 1 lần). Cắt bỏ các cành dại mọc từ gốc ghép (loại bỏ những mầm phía dưới phần quấn nilông). Sau khi ghép khoảng 5 - 6 tháng, vào vụ Xuân, khi cành ghép đạt tiêu chuẩn thì đem đi trồng (mầm cành ghép dài 30 - 40 cm, các mầm trên cành ghép đã chuyển từ màu xanh sang màu nâu, có 2 - 3 cành cấp 2).

Công đoạn chuẩn bị đất và trồng hồng

Chọn những nơi đất cao, thoát nước tốt hoặc xây dựng hệ thống thoát nước khi trồng trên đất bằng. Đối với sườn đồi núi có độ dốc >150, để hạn chế tình trạng đất trồng hồng bị xói mòn, rửa trôi, làm cho đất nghèo kiệt dinh dưỡng, kinh nghiệm của người dân trồng hồng ở Bảo Lâm là tiến hành xây dựng đường đồng mức khi trồng cây. Chiều rộng của đường đồng mức từ 0,6m đến 0,8m; khoảng cách giữa các đường đồng mức từ 4m đến 5m.

Trước khi trồng cây khoảng từ 2 tháng -3 tháng, tiến hành vệ sinh vườn đồi, phát quang thực bì, nhổ sạch cỏ dại, sau đó tiến hành cày và làm nhỏ đất.

Tùy thuộc vào đất trồng hồng không hạt là đất vườn hay đất đồi mà kích thước hố trồng như sau: đối với đất vườn thì đào hố sâu 60-70cm, rộng 70-80cm, đất đồi thì kích thước: sâu 80-100 cm, rộng 90-100cm.

Thời gian đào hố: Trước khi trồng cây khoảng từ 2-3 tháng. Khoảng cách giữa các hố: Đối với đất bằng phẳng: Hố đào là 80 x 80 x 70cm, khoảng cách 6 x 6m hoặc 6 x 5m (277-330 cây/ha). Đối với đất đồi: Hố đào là 100 x 100 x 90cm, khoảng cách 5 x 5m hoặc 5 x 4m (400 - 500 cây/ha).

Nếu cây giống là cây giâm rễ: Cây phải có chiều cao 40 - 50cm, đường kính cây cách mặt đất 10 cm là 0,5 - 0,8 cm. Lá xanh tốt, không bị sâu bệnh.Nếu cây giống là cây ghép: Chiều cao cây tính từ mặt bầu là 50 - 60 cm, chiều dài cành ghép từ 30 - 40 cm đường kính cành ghép phải đạt 0,5 - 0,7 cm.

Hồng có thể trồng 2 thời vụ là: Vụ Xuân từ tháng 1 – 4; Vụ Thu từ tháng 8 – 10. Thời vụ trồng tốt nhất vào tháng 1 - 2 (dương lịch) khi cây rụng lá.

Công đoạn chăm sóc cây

Sau khi trồng từ 1 ngày đến 2 ngày, tiến hành tưới 1 lần với lượng nước từ 4 lít đến 5 lít/cây. Vào mùa khô, tiến hành tưới 2 lần/ tuần với lượng nước 5 - 10 lít/ cây. Thường xuyên tiến hành tưới đủ ẩm cho cây. Thời kỳ đầu có thể trồng xen các cây họ đậu để cải tạo đất và giữ ẩm cho đất; hoặc tủ lá khô hoặc rơm rạ để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại trong giai đoạn đầu.

Đốn tỉa tạo hình: Ngay sau khi cây vừa được trồng, tiến hành giữ một thân chính cao 80-100cm, các cành còn lại được cắt cụt hết để cho cây “tức” mà bật ra những cành khỏe; Sau một thời gian tháng, chọn trên thân chính 3 cành khỏe mọc ra 3 hướng khác nhau để làm cành khung.

Cuối năm thứ nhất, tiến hành cắt ngắn các cành khung cấp 1 và chỉ để từ 2 đến 3 cành khúc cấp 2 ở những vị trí thích hợp sao cho các cành đứng hướng ra ngoài. Cuối năm thứ hai, tiến hành cắt ngắn các cành khung cấp 2. Cuối năm thứ ba, tiến hành cắt ngắn các cành khung cấp 3. Hết năm thứ ba, tán cây hồng đã ổn định, cây hồng bắt đầu bói quả và bước sang thời kì đốn tạo quả.

Tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của cây, tiến hành bón phân, tưới nước cho cây để cây phát triển tốt và ổn định. Phải tưới đủ ẩm cho cây 2 lần/tháng, tuỳ theo ẩm độ của đất mà tưới với lượng nước khác nhau. Trong các tháng mùa khô lượng nước tưới trung bình khoảng 10 – 12 lít/ cây/ lần là đủ.

Do đặc điểm trồng trên đồi có độ dốc cao nên vườn hồng cần được trồng cây che phủ đất để chống xói mòn, giữ ẩm và tăng độ màu mỡ cho đất. Có thể trồng cây đậu mèo (đậu napnap). Nếu vườn hồng trồng trên sườn đồi phía dưới chân đồi thì cần trồng cây công nghiệp hoặc cây lâm nghiệp trên đỉnh đồi vừa hạn chế dòng chảy về mùa mưa, chống xói mòn vừa giữ ẩm cho đất về mùa khô hạn.

Thường xuyên theo dõi và phòng trừ sâu bệnh hại cây, đặc biệt là các loại sâu như: sâu đục thân (xuất hiện vào tháng 5 – 7); Rệp sáp (xuất hiện vào tháng 2 – 3); Sâu đo (xuất hiện vào tháng 5, tháng 9); Bệnh giác ban hại hồng (xuất hiện vào tháng 7, 8, 9); Bệnh đốm vòng (xuất hiện từ tháng 7, 8, tháng 9); Bệnh thán thư (xuất hiện từ tháng 3 – 10 và gây hại nặng từ tháng 5 – 8).