Chỉ trong ngày 2/6, Chương trình Rừng Xanh Lên 2024 đã trồng được 16.000 cây trên dải rừng rộng 25 ha nối giữa Hòa Bình và Sơn La.
Khu vực giáp ranh giữa hai huyện Mai Châu (Hòa Bình) và Vân Hồ (Sơn La) từ lâu được biết đến là một vùng khí hậu mát mẻ quanh năm với những cánh rừng già trên núi đá, núi đất tươi đẹp. Theo Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), khí hậu á nhiệt đới và địa hình, địa chất riêng biệt này là nơi sinh sống của hệ động, thực vật đa dạng với những cây tùng, bách, thông, phong lan quý hiếm, đặc biệt là loài Vượn đen má trắng cực kỳ nguy cấp nằm trong Sách Đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Đây cũng là nơi sinh sống của đồng bào người Mông và các dân tộc vùng cao với sinh kế và nhiều nét văn hóa độc đáo gắn liền với rừng.
Trải qua nhiều năm, áp lực từ các hoạt động kinh tế đã khiến nhiều diện tích rừng tự nhiên bị tác động, phân mảnh và suy thoái. Ước tính, có khoảng 500 ha trong dải rừng này cần được phục hồi để đảm bảo cảnh quan tự nhiên và duy trì sinh cảnh sống cho loài Vượn đặc hữu.
Với mong muốn phục hồi dải rừng này, từ năm 2022, PanNature đã triển khai chương trình Rừng Xanh Lên - chương trình dài hạn và thường niên nhằm phục hồi 500 ha rừng trên hành lang núi đá nối giữa huyện Mai Châu và huyện Vân Hồ.
Năm nay là năm thứ ba chương trình được triển khai. Vào ngày 2/6 vừa qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam VUSTA, Hạt Kiểm lâm huyện Vân Hồ, Huyện đoàn Vân Hồ, UBND xã Vân Hồ, Khu BTTN Xuân Nha, UBND xã Pà Cò và PanNature mới đây đã cùng phối hợp phát động Chương trình Rừng Xanh Lên năm 2024 tại xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) với mục tiêu trồng 16.000 cây - phục hồi 25 ha rừng nối giữa Hòa Bình và Sơn La. Sự kiện cũng nhằm kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới 5/6 với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá”.
Ngay trong buổi sáng ngày 2/6, 300 thành viên từ nhiều tỉnh, thành khác nhau đã trồng được tổng cộng 16.000 cây trên diện tích 25 ha rừng bao gồm 10 ha rừng tại bản Pa Cốp, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La và 15 ha rừng thuộc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Trong đó, dải rừng đầu nguồn thuộc bản Pa Cốp là một trong những khu vực sinh cảnh chính của loài Vượn đen má trắng cực kỳ nguy cấp vốn đang bị đe dọa về sinh cảnh và nguồn thức ăn do rừng bị suy thoái và phân mảnh. Vì vậy, hoạt động trồng phục hồi rừng tại đây kỳ vọng sẽ "vá" lành những mảnh rừng, ngôi nhà của loài linh trưởng quý hiếm, đặc hữu nơi đây.
Hoàng Nhi