Thời gian qua, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN tại Lai Châu đã đạt nhiều kết quả đáng kể. Riêng trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, tỉnh đã triển khai thực hiện 28 đề tài, dự án (số đề tài, dự án đã nghiệm thu là 16).
Các đề tài tập trung nghiên cứu, chuyển giao những tiến bộ về giống, kỹ thuật thâm canh trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được tập trung ứng dụng và chuyển giao cho người nông dân. Bên cạnh đó là các đề tài nghiên cứu phục tráng, phát triển một số giống lúa bản địa có giá trị kinh tế cao như khẩu ký, nếp tan, tẻ râu.
Thu hoạch chè tại Công ty chè Tam Đường, Lai Châu. Ảnh: Thái Hà
Trong giai đoạn 2014-2016, trên 500 lượt người dân trong tỉnh được tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng trên diện tích 200ha các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh để tăng năng suất trong nông nghiệp và tạo thêm việc làm cho trên 350 lao động ở khu vực nông thôn.
Kết quả, các mô hình ứng dụng tiến bộ về giống, kỹ thuật thâm canh cho năng suất tăng từ 20-25% so với sản xuất đại trà. Nhận thức của người nông dân có chuyển biến tích cực, một số giống cây lượng thực có khả năng thích nghi với điều kiện vùng sản xuất được bổ sung vào cơ cấu cây trồng cho địa phương.
Tỉnh cũng phục tráng và phát triển thành công các giống lúa bản địa có giá trị, hướng tới hình thành vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm gạo chất lượng cao. Một số giống cây trồng như mácca, atisô, cây lê, hồng đào với các giống mới, năng suất, chất lượng cao đã được nghiên cứu đưa vào trồng thử nghiệm tại Lai Châu, bước đầu cho thấy cây có khả năng thích nghi tốt và cho hiệu quả.
Tuy nhiên trên thực tế, việc lồng ghép các đề tài, dự án khoa học và công nghệ với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội chưa chặt chẽ, thiếu cụ thể nên hiệu quả mang lại chưa cao. Bên cạnh đó, sự phối hợp với các cấp, các ngành và huyện thị trong hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ chưa thường xuyên liên tục, dẫn đến gặp khó khăn trong việc duy trì, nhân rộng.
Vì thế, Sở KH&CN Lai Châu kiến nghị Bộ KH&CN thời gian tới tiếp tục ưu tiên tăng nguồn vốn cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN phù hợp với nhiệm vụ hằng năm; hỗ trợ địa phương trong việc thực hiện một số dự án thuộc chương trình phát triển thị trường công nghệ, sở hữu trí tuệ, chương trình Nông thôn miền núi, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, bảo tồn các nguồn gene quý của địa phương và các chương trình KH&CN do bộ quản lý.
Bộ cũng cần ban hành nhiệm vụ khung theo chức năng của các đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập để triển khai cơ chế cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, đồng thời thống nhất hướng dẫn quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh từ khâu tư vấn xác định danh mục, tuyển chọn, xét chọn đến nghiệm thu các đề tài, dự án KH&CN trên toàn quốc để tránh cùng một nhiệm vụ KH&CN nhưng mỗi tỉnh lại quản lý khác nhau.