Có sản phẩm để bán nhờ phục tráng giống
Nhãn hiệu tập thể “Gạo nếp khẩu nua lếch Ngân Sơn” đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cấp từ năm 2015. Đây là kết quả sự nỗ lực của địa phương trong việc cứu giống lúa nếp bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số phía bắc huyện Ngân Sơn.
Nếp khẩu nua lếch có đặc điểm hạt gạo to, đều, dùng đồ xôi và gói bánh chưng rất dẻo, thơm. Tuy nhiên, quá trình canh tác theo phương pháp truyền thống hàng trăm năm đã khiến giống bị suy thoái, không giữ được đặc điểm trội, khả năng chống chịu sâu bệnh và năng suất thấp (chỉ khoảng 28-32 tạ/ha).
Năm 2010, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bắc Kạn và Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp miền núi phía bắc triển khai dự án “Phục tráng giống lúa khẩu nua lếch Ngân Sơn”. Phó Viện trưởng - tiến sỹ (TS) Lưu Ngọc Quyến, người chủ trì dự án - cho biết: “Qua 3 vụ, chúng tôi đã phục tráng thành công, tạo độ thuần và giữ được giống có phẩm chất tốt hơn, nhân được giống để cung cấp cho bà con”. Ngoài ra, dự án cũng xây dựng quy trình canh tác mới, giúp năng suất trung bình đạt 38-42 tạ/ha, có nơi đạt 46 tạ/ha.
UBND tỉnh và Sở KH&CN Bắc Kạn kiểm tra mô hình sản xuất giống lúa khẩu nua lếch thương phẩm tại Thượng Quan. Ảnh: Thanh Phong
Bà Vũ Thị Tuyết - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngân Sơn - phấn khởi nói: “Lúa khẩu nua lếch hiện nay đã trở thành đặc sản địa phương, được mở rộng diện tích, góp phần tăng thu nhập cho bà con. Gạo nếp bình thường giá chỉ 15.000 đồng/kg, còn nếp khẩu nua lếch chưa chọn lọc đã có giá 30.000 đồng/kg, loại chọn lọc giá hơn 40.000 đồng/kg”.
Theo ông Ngô Quang Trung - Chủ nhiệm Hợp tác xã Khẩu nua lếch ở xã Thượng Quan, trước đây lượng nếp khẩu nua lếch thu hoạch được hầu như chỉ đủ cho bà con sử dụng hoặc làm quà, mỗi gia đình chỉ cấy từ vài trăm đến 1.000m2. “Từ khi phục tráng được giống lúa này, bà con rất hào hứng tham gia hợp tác xã. Hiện hợp tác xã có 22 hộ, mỗi hộ trồng khoảng 2.500m2. Trừ chi phí, mỗi vụ một gia đình thu khoảng 15-16 triệu đồng”. Theo ông Trung, đây là khoản thu nhập thêm rất đáng kể vì trước đây vào các vụ mùa, bà con chỉ thu hoạch được lượng gạo tẻ đủ ăn.
Từ chỗ chỉ trồng ở xã Thượng Quan, nay giống khẩu nua lếch đã được trồng thêm ở 4 xã Thuần Mang, Bằng Vân, Thượng Ân và Cốc Đán. TS Quyến cho biết: “Trước đây chúng tôi dự định mở rộng trồng ở 7-8 xã nhưng qua khảo sát, phân tích các điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng, điều kiện kỹ thuật canh tác của người dân rồi so sánh với vùng khởi nguyên của nó, chúng tôi xác định chỉ một số vùng có thể trồng được giống lúa này”.
“Không biết chuyển giao cho ai”
TS Quyến trăn trở: “Mặc dù chúng tôi đã phục tráng, tạo ra được giống tốt nhưng sau khi kết thúc dự án, sự tiếp nhận của địa phương còn hạn chế. Chúng tôi không biết chuyển giao cho ai để tiếp tục duy trì, bởi nguyên tắc của việc phục tráng là sau một thời gian sẽ phải phục tráng lại, nếu không giống sẽ bị lai tạo, lẫn tạp. Ai là người sẽ tiếp tục duy trì giống lúa này? Đây là câu hỏi rất khó vì nông dân không thể duy trì để sản xuất giống bán”.
Ngoài ra, tình trạng sản xuất hiện còn manh mún, nhỏ lẻ; vùng canh tác là vùng sâu, vùng xa nên nông dân chưa hiểu biết về sản xuất hàng hóa. “Quy mô sản xuất chưa đủ lớn, sản phẩm chưa nhiều và đặc biệt chưa có doanh nghiệp mặn mà đầu tư vào giống lúa này. Đây là bài toán chung của nhiều nông sản sau khi có nhãn hiệu tập thể. Trong tương lai, phải có sự tham gia của doanh nghiệp để quản lý, khai thác nhãn hiệu này mới có thể thúc đẩy sản xuất” - TS Quyến nói.
Hiện UBND huyện đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất “gạo nếp khẩu nua lếch Ngân Sơn” cho 3 cơ sở. Bà Đỗ Thị Thử - cơ sở Trung Dũng, một trong 3 đơn vị trên - cho biết việc đầu tư một dây chuyền sản xuất khép kín đòi hỏi chi phí khá lớn. “Cuối năm 2016, chúng tôi đã đầu tư một dây chuyền sản xuất khép kín trị giá 1,5 tỷ đồng. Khó khăn hiện nay là khi đã mở rộng được thị trường thì chúng tôi không đủ hàng để đáp ứng vì trên toàn tỉnh, giống lúa này chỉ được trồng ở huyện Ngân Sơn với diện tích năm 2016 là 50ha và năng suất 4 tấn/ha”.