Khoản tài trợ này chủ yếu được dùng để xây dựng, bổ sung giáo trình và bài giảng cũng như mời giáo sư thỉnh giảng, góp phần đưa các chương trình đào thạc sĩ Khoa học dữ liệu và Toán ứng dụng ở Việt Nam tiến tới đạt trình độ quốc tế.

5 trường đại học và viện nghiên cứu ký kết hợp tác với Quỹ Đổi mới sáng tạo VinIF (thuộc Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn - VinBDI) gồm: Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Toán học - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện John von Neumann - Đại học Quốc gia TPHCM, và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo đó, chương trình đào tạo thạc sĩ Khoa học dữ liệu hoặc Toán ứng dụng ở mỗi trường, viện sẽ được nhận tối đa 2 tỷ đồng cho năm đầu tiên và thời gian hỗ trợ tối đa trong 3 năm. Ngoài ra, Quỹ VinIF còn tài trợ 10 suất học bổng trị giá 120 triệu đồng/năm cho học viên xuất sắc tại mỗi đơn vị.

PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương – Giám đốc điều hành Quỹ VinIF ký kết hợp tác đào tạo với đại diện trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ảnh: Vingroup
PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương – Giám đốc điều hành Quỹ VinIF - ký kết hợp tác đào tạo với PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Vingroup

Ngày nay, dữ liệu chính là nguồn tài nguyên mới vận hành và thúc đẩy thế giới phát triển. Khoa học dữ liệu - lĩnh vực liên ngành dựa trên ba nền tảng kiến thức Toán học, Thống kê và Tin học - thể hiện vai trò lớn trong các lĩnh vực như y tế, tài chính, thương mại điện tử, công nghiệp giải trí, tra cứu trên Internet, hàng không, công nghệ nhận dạng.

Phát biểu tại lễ ký kết hợp tác sáng 18/7 tại Hà Nội, GS Vũ Hà Văn – Giám đốc Khoa học tại Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBDI - nói, chúng ta “đã nhiều lần có cảm giác lỡ tàu trong các cuộc đua công nghệ” nhưng ông tin rằng, riêng ở lĩnh vực Khoa học dữ liệu, chúng ta có hy vọng bước được vào cuộc đua của thế giới vì đã có sẵn nguồn tài nguyên dữ liệu dồi dào.

“Trong cuộc đua này, yếu tố quan trọng nhất là con người được đào tạo đủ tốt,” ông nói và dẫn ra thực tế thời gian gần đây Viện VinBDI đã làm ra một số sản phẩm như nhận diện tiếng nói hay ứng dụng AI trong phân tích hình ảnh y tế “không thua kém sản phẩm của các tập đoàn lớn như Samsung hay Google, thậm chí còn tốt hơn”. Ông nhấn mạnh, với những sản phẩm dựa trên dữ liệu tự có như nhận diện tiếng nói của người Việt thì chúng ta hoàn toàn có khả năng làm tốt hơn nước ngoài vì sản phẩm của Google, chẳng hạn, chỉ tập trung vào tiếng Anh và một số ngôn ngữ lớn khác. “Nếu chúng ta sử dụng nguồn tài nguyên của mình để đào tạo lớp trí thức mới, lớp lao động chất lượng cao mới thì không có lý do gì phải đi mua sản phẩm của nước ngoài với giá rất đắt.”

PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương, Giám đốc điều hành Quỹ VinIF, thì nhận xét, các chương trình đào tạo thạc sĩ Khoa học dữ liệu và Toán ứng dụng của các trường, viện tham gia ký kết với Quỹ mang tư duy hoàn toàn mới. “Khác với việc đào tạo thạc sĩ trước đây, hướng tới đào tạo những người tiếp tục đi theo con đường làm tiến sĩ hoặc giảng dạy và nghiên cứu thì lần này, các chương trình hướng đến ứng dụng, nghĩa là những bạn trẻ sau khi học xong có thể vào ngay các công ty và doanh nghiệp để làm việc.”

Phát huy thế mạnh riêng

Khoa học dữ liệu phân tích và khám phá tri thức mới từ các dữ liệu thực tế, tồn tại dưới nhiều dạng cấu trúc khác nhau như số liệu, văn bản, hình ảnh, âm thanh. Tại Việt Nam, chưa nhiều đơn vị đào tạo có đủ quy mô về nhân sự, đáp ứng được các điều kiện để xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ Khoa học dữ liệu. Nhưng theo bà Phan Thị Hà Dương, tham gia ký kết hợp tác với Quỹ VinIF đều là những trường, viện uy tín và có nét riêng. “Mỗi trường đều có cách xây dựng chương trình đào tạo riêng để phát huy được hết thế mạnh của mình,” bà nói.

Chẳng hạn, từ tài trợ của Quỹ VinIF, Trường Đại học khoa học tự nhiên - nơi đầu tiên trong cả nước mở chương trình thạc sĩ Khoa học dữ liệu từ năm 2018 - sẽ tạo cơ hội cho sinh viên trao đổi với chuyên gia quốc tế, còn các giảng viên và học viên sẽ có điều kiện tham gia các hội thảo khoa học trong và ngoài nước thường xuyên hơn.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội mở chương trình đào tạo thạc sĩ hoàn toàn bằng tiếng Anh, với điểm nhấn là trường hè kéo dài 1 tuần có sự tham gia của nhiều giáo sư nước ngoài. Với đặc thù đó, Trường sẽ dành kinh phí để hỗ trợ học viên tham gia hội thảo quốc tế và công bố quốc tế.


Tọa đàm "Nhân lực chất lượng cao Khoa học dữ liệu: Thách thức và Cơ hội" với sự tham gia của lãnh đạo thuộc 5 trường, viện vừa tham gia ký kết hợp tác với Quỹ VinIF. Ảnh: Vingroup

Trường Đại học Quy Nhơn - trường trọng điểm ở miền Trung - đang hoàn thiện thủ tục để mở mới chương trình thạc sĩ Khoa học dữ liệu ứng dụng - thì dự kiến có những suất học bổng hỗ trợ học viên và dành kinh phí tổ chức seminar, hội thảo.

Viện Toán học và Viện John von Neumann đều không chỉ chú trọng đào tạo thạc sĩ mà còn tìm kiếm, phát hiện sinh viên tiềm năng.

Trong đó, Viện Toán học dành một phần tài trợ để đón các sinh viên ngay từ năm 2 đến thực tập nghiên cứu và ứng dụng khoa học với các cán bộ nghiên cứu của Viện vào những khoảng thời gian phù hợp với việc học của các em. Với những sinh viên ở xa đến, Viện sẵn sàng hỗ trợ chi phí đi lại, ăn ở. Tại tọa đàm về nhân lực Khoa học dữ liệu chất lượng cao tiếp sau lễ ký kết hợp tác sáng 18/7, GS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học, cho biết ông khá bất ngờ khi số sinh viên đăng ký lên đến 30 em, nhiều hơn dự kiến ban đầu gần 4 lần.

Còn Viện John von Neumann, nơi chỉ đào tạo sau đại học, đề xuất mở rộng chương trình để những sinh viên ưu tú, tiềm năng cũng có thể tham gia học những môn ở bậc cao học ngay từ năm thứ ba, năm thứ tư và được tích lũy chứng chỉ, tạo nền tảng kiến thức vững vàng cho sau này, dù các em tiếp tục đi học hay đi làm.

Bên cạnh tài trợ cho các chương trình đào thạc sĩ Khoa học dữ liệu và Toán ứng dụng, Quỹ VinIF còn có 3 chương trình khác, đó là Hỗ trợ các dự án nghiên cứu; Tài trợ học bổng sau đại học; và Tài trợ hội nghị, hội thảo. Trong đó, riêng năm 2019, Quỹ VinIF đã tài trợ 124 tỷ đồng cho 158 học viên cao học, nghiên cứu sinh và 20 dự án nghiên cứu KH&CN tại Việt Nam.