Khoảng 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam vẫn còn chần chừ đối với chuyển đổi số - phần vì gặp khó khăn về vốn, phần vì họ xem đây là câu chuyện của doanh nghiệp lớn.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp sản xuất nói riêng chịu ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch, có những doanh nghiệp đã tập trung thúc đẩy việc khai thác lợi thế từ chuyển đổi số.

Chuyển đổi số là định hướng quan trọng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nguồn; Báo Công thương
Chuyển đổi số là vấn đề sống còn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nguồn: Báo Công Thương

Tuy nhiên, có những doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang phản ứng thụ động với những thay đổi của thị trường, tư duy theo lối cũ - ông Lê Văn Khương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết hội thảo trực tuyến “Giải pháp thực tiễn hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Microsoft tổ chức ngày 27/8. Con số này ở Việt Nam là hơn 70%, theo báo cáo của Tập đoàn Hệ thống công nghệ Mỹ Cisco mà ông Khương dẫn ra.

Khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) trên 500 doanh nghiệp vào năm 2020 cũng cho thấy, chỉ có khoảng 15% doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tham gia nhiều vào quá trình này, phần vì gặp khó khăn về vốn, nhưng cũng phần vì họ xem đây là câu chuyện của doanh nghiệp lớn.

Trước thực trạng đó, ông Khương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, theo đó hiệu quả của sản xuất, kinh doanh cũng như năng lực và lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp được nâng cao thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số.

“Mục tiêu đến năm 2025, 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được nhận các hỗ trợ từ Chương trình; 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là các thành công điển hình trong chuyển đổi số, hướng tới các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và thiết lập Mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn thúc đẩy chuyển đổi số,” ông nói.

Các chuyên gia nhận định, dù COVID-19 gần như đã đóng băng ngành sản xuất, nhưng nó lại là yếu tố thôi thúc các doanh nghiệp trong ngành phải đổi mới để ứng phó với những thách thức trước mắt và chuẩn bị cho tương lai lâu dài; đồng thời gợi ý 5 định hướng quan trọng mà ngành sản xuất cần tập trung:

Thứ nhất, phải chuyển đổi lực lượng lao động bằng cách triển khai những giải pháp và ứng dụng công nghệ giúp tăng năng suất lao động, từ đó thay đổi cách thức nhân viên giao tiếp, cộng tác và chia sẻ dữ liệu trong công việc.

Thứ hai, xây dựng các nhà máy linh hoạt bằng việc áp dụng công nghệ và IoT vào vận hành để đảm bảo chuỗi sản xuất, từ đó thúc đẩy chất lượng và năng suất lao động.

Thứ ba, kết nối với khách hàng theo những cách thức mới, đem lại những trải nghiệm khách hàng trên toàn bộ các kênh dịch vụ, bán hàng và marketing, ví dụ như thiết lập các trợ lý ảo giúp kết nối với khách hàng trên nền tảng số, các dịch vụ hỗ trợ từ xa và bán hàng trực tuyến.

Thứ tư, xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững để nâng cao khả năng truy xuất, trong đó cần thiết lập những kế hoạch đánh giá rủi ro, xử lý khủng hoảng, và triển khai chuỗi cung ứng tự chủ.

Thứ năm, sáng tạo ra những dịch vụ mới bằng việc khám phá các giá trị kinh doanh khác biệt với dịch vụ số và sản phẩm bền vững.