Mỗi tuần, ban tổ chức dự án sẽ gặp gỡ và nghe một startup nói về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình khởi nghiệp để ghi nhận và tìm phương hướng hỗ trợ.
Chiều 9/6, Văn phòng đề án 844 (Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025") đã phối hợp với Đoàn Thanh niên liên bộ (Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và Bộ Tư pháp) tổ chức buổi gặp gỡ đầu tiên với startup Roosam theo kế hoạch của dự án "1h cho khởi nghiệp".
Theo anh Lê Vũ Tiến - Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ, "Đây là dịp để lắng nghe những khó khăn của startup và đánh giá lại những chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đang được các cơ quan, tổ chức tiến hành." Anh Tiến cho biết, Ban tổ chức sẽ tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và gửi về đơn vị chức năng để đưa ra hỗ trợ thiết thực nhất cũng như cố gắng tìm kiếm các nguồn lực có thể để hỗ trợ cho cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Trong buổi trao đổi, anh Mai Trọng Dũng - founder của Roosam, một startup thuộc lĩnh vực robot quảng cáo, dịch vụ và giải trí, chia sẻ họ đang gặp khó khăn trong lưu thông sản phẩm do sản phẩm robot quảng cáo không được công nhận sử dụng tại các trung tâm thương mại hoặc trên đường.
Tư vấn về vấn đề này, chị Ngô Thị Thu Trang - Vụ Pháp luật dân sự kinh tế - Bộ Tư pháp cho rằng, robot quảng cáo là lĩnh vực mới, chưa có văn bản chính sách nào quy định cụ thể về đối tượng này. Với trường hợp robot quảng cáo bị ngăn cản xuất hiện tại trung tâm thương mại, anh Dũng và đơn vị sử dụng cần xây dựng một thỏa thuận giữa đơn vị sử dụng và trung tâm thương mại về việc cho phép robot hoạt động trong phạm vi được quy định. Khi đã được cho phép thì không ai có thể ngăn cản.
Ngoài ra, chị Trang gợi ý, khi bán hàng cho khách, Roosam cần lồng thêm điều kiện thỏa thuận, khách hàng không được cho robot ăn mặc quá phản cảm. Điều này sẽ gây 'khó chịu' với người nhìn và vô hình trung ảnh hưởng tới năng lực tiêu thụ sản phẩm.
Trong khi đó, anh Lê Vũ Tiến tư vấn thêm, robot quảng cáo là lĩnh vực mới và Roosam cần tiến hành đăng ký các thủ tục liên quan đến sở hữu trí tuệ như giải pháp hữu ích hoặc kiểu dáng công nghiệp.... Điều này sẽ giúp startup bảo vệ được quyền lợi của mình khi bị bên thứ 3 xâm phạm.
Các startup cảm thấy đang có vấn đề, cần được tư vấn có thể tham gia các buổi “1h cho khởi nghiệp” bằng cách điền thông tin vào link sau:https://goo.gl/eq4dX7.
Ngọc Vũ