Viện Trí tuệ nhân tạo Allen công bố báo cáo nhận định rằng Trung Quốc có thể "qua mặt" Mỹ trong phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) do nước này đang tăng đầu tư nghiên cứu các công nghệ then chốt.

Ảnh minh họa. (Nguồn: clinical-innovation.com)
Ảnh minh họa. (Nguồn: clinical-innovation.com)

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Viện Trí tuệ nhân tạo Allen ngày 13/3 đã công bố một báo cáo nhận định rằng Trung Quốc có thể "qua mặt" Mỹ trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) do nước này đã và đang tăng cường đầu tư nghiên cứu các công nghệ then chốt.

Những phân tích của Viện AI Allen cho thấy Trung Quốc vừa vượt Mỹ về số lượng các công trình nghiên cứu AI đã công bố, dù nhiều công trình trong số này bị đánh giá là có "chất lượng trung bình" hoặc "chất lượng thấp."

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhận định Trung Quốc dường như sẽ càng ngày càng vượt Mỹ về các công trình có tầm ảnh hưởng nhất.

Theo các nhà nghiên cứu của Viện AI Allen, Trung Quốc không chỉ vượt Mỹ về các công trình đề xuất hoặc đã được công bố mà còn về việc phát triển các công trình có ảnh hưởng lớn.

Trong khi đó, các chính sách mà Mỹ đang áp dụng hiện nay, trong đó có việc siết chặt nhập cư, có thể khiến cường quốc số một thế giới này gặp khó khăn trong việc duy trì vị thế của mình trong lĩnh vực AI.

Trên thực tế, các biện pháp siết chặt người nhập cư sẽ tạo ra rào cản khiến nước này khó có thể tuyển dụng hoặc "giữ chân" các học giả và sinh viên nước ngoài, qua đó gián tiếp giúp Trung Quốc có thêm ưu thế trong nghiên cứu AI.

Năm 2017, Trung Quốc tuyên bố mục tiêu tới năm 2030 dẫn đầu thế giới trong phát triển AI. Tuy nhiên, trên thực tế, nước này đã đầu tư cho nghiên cứu phát triển AI từ hơn một thập kỷ trước đó.

Trong khi đó, các viện nghiên cứu và các nhà khoa học Mỹ gần đây kêu gọi Washington phát triển chiến lược AI quốc gia nhằm tạo nhiều việc làm hơn trong lĩnh vực công nghệ.

Tháng trước, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp Sáng kiến AI Mỹ, kêu gọi các cơ quan chức năng cống hiến mọi nguồn lực cho chính phủ liên bang nhằm đẩy mạnh AI, dù các nhà phân tích cho rằng sắc lệnh này còn thiếu chiến lược toàn diện./.