Vừa qua chính phủ Trung Quốc đã khẩn cấp điều tra về sự ra đời của những trẻ sơ sinh được chỉnh sửa gene đầu tiên trên thế giới. Bởi việc làm này đang chịu sự phản đối kịch liệt từ các chuyên gia quốc tế.

Sự phản đối bắt đầu ngay sau khi He Jiankui (Hạ Kiến Khuê) - một giáo sư tại Đại học KH&CN Nam Trung Quốc ở Thâm Quyến (Southern University of Science and Technology ở Shenzhen, Trung Quốc) công bố kết quả cho ra đời thành công cặp song sinh đã chỉnh sửa DNA nhằm phòng chống bệnh HIV.

Trong một video được đăng lên YouTube, ông khẳng định phòng thí nghiệm của mình đã chỉnh sửa bộ gene phôi cho bảy cặp vợ chồng đang thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Một cặp song sinh là hai bé gái mang tên Lulu và Nana đã ra đời khỏe mạnh vài tuần trước đó. Ông còn cho biết thêm mình đã sử dụng công nghệ CRISPR-cas9, một công cụ có thể chèn hoặc tắt một số gene nhất định.


He Jiankui (giữa) trong buổi hội thảo về chỉnh sửa gene người tại Hồng Kông ngày 28/11. Ảnh: RFA.

Ngày 27/11 Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết họ đã ngay lập tức yêu cầu Ủy ban Y tế tỉnh Quảng Đông “nghiêm túc điều tra và xác minh” những tuyên bố của ông Jiankui. Trước đó bệnh viện Bà mẹ và trẻ em ở Thẩm Quyến được cho rằng có liên đới khi tham gia trong các tài liệu phê chuẩn đạo đức của công trình này.Thì đại diện bệnh viện trả lời kênh CNN: “Chúng tôi có thể đảm bảo rằng các nghiên cứu không được tiến hành tại bệnh viện, và những đứa trẻ cũng không được sinh ra tại đây”. Ngoài ra, bệnh viện còn xác nhận rằng hai trong số các bác sĩ có tên trong tài liệu của ông Jiankui đang làm việc tại bệnh viện và họ đang tiến hành điều tra nội bộ. Bước đầu cho thấy, chữ ký trên mẫu xét duyệt đạo đức của ông Jiankui là giả mạo. Bệnh viện chưa bao giờ triệu tập ủy ban đạo đức về việc này, qua đó, họ sẽ yêu cầu cảnh sát can thiệp và điều tra những người có liên quan nhằm chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Về phía trường Đại học KH&CN Nam Trung Quốc ở Thâm Quyến, họ cho biết ông Jiankui đã được nghỉ phép kể từ ngày 1 tháng 2 năm 2018. “Các công trình nghiên cứu được Giáo sư He Jiankui tiến hành bên ngoài trường. Ông ấy không báo cáo với trường hoặc khoa sinh học bất kỳ thông tin nào". Nhà trường cho biết thêm “Ủy ban Giáo dục của Khoa Sinh học tin rằng công trình này vi phạm nghiêm trọng đạo đức và các tiêu chuẩn trong nghiên cứu".

Cùng thời điểm, có 120 nhà khoa học Trung Quốc đã lên án việc thực hiện nghiên cứu chỉnh sửa bộ gene người trang mạng xã hội Weibo.

“Trực tiếp thử nghiệm trên con người thật là điên rồ ... ngay khi một con người được tạo ra thành công, không ai có thể dự đoán được những hệ quả gì sẽ mang lại, vì vật chất di truyền có thể sẽ thay đổi và sẽ gây ảnh hưởng lớn đến bộ gene người”, họ cho rằng nghiên cứu này là một “cú đánh lớn” với danh tiếng của nghiên cứu y sinh của Trung Quốc.

Julian Savulescu, giám đốc Trung tâm Đạo đức Thực hành Oxford Uehiro tại Đại học Oxford, nhận xét: “Nếu thử nghiệm này là thật, nó là một tội ác” anh nói. "Các phôi đều phát triển tốt và không phát hiện bất thường. Việc chỉnh sửa gene có thể liên quan đến đột biến ngoài ý muốn, gây ra các vấn đề di truyền về sau, bao gồm cả sự phát sinh ung thư”.

"Có rất nhiều phương pháp để phòng ngừa và điều trị HIV cho cả người khỏe mạnh và người mắc giai đoạn sớm", Savulescu nói.

Joyce Harper, một giáo sư về di truyền học và phôi người tại Viện Sức khỏe Phụ nữ tại Đại học London, mô tả nghiên cứu là "Vội vàng, nguy hiểm và vô trách nhiệm", bà kêu gọi điều trần chính thức và sự can thiệp của pháp luật.

"Trước khi liệu trình này được thực hành lâm sàng, chúng tôi cần nhiều năm chứng minh việc can thiệp vào bộ gene của phôi hoàn toàn vô hại cho sự sinh trưởng về sau của cá thể đó", bà nêu quan điểm của mình.

Mặc dù các rào cản đạo đức được công nhận, nhưng một nghiên cứu gần đây cho rằng công chúng Trung Quốc tỏ vẻ ủng hộ việc sử dụng chỉnh sửa gene cho mục đích y tế. Một cuộc khảo sát trực tuyến được tiến hành bởi Đại học Sun Yat-Sen tại Quảng Châu cho thấy hơn 2/3 trong số 4.771 người được khảo sát (575 người được báo cáo là có HIV) ủng hộ việc sử dụng công cụ chỉnh sửa gene trong điều trị bệnh, theo Global Times.

"Người Trung Quốc sẵn sàng sử dụng công cụ này trong phòng ngừa và điều trị bệnh", Liang Chen, một giáo sư tại Đại học Sun Yat-Sen phát biểu. "Điều này cho thấy nghiên cứu về chỉnh sửa gene ở Trung Quốc không chỉ có tiềm năng đầy hứa hẹn, mà còn đáp ứng nhu cầu của công chúng nước này".

Trung Quốc hiện đang đầu tư mạnh vào công nghệ chỉnh sửa gene, với việc chính phủ đã tài trợ cho vào một số nghiên cứu đầu tiên trên thế giới, bao gồm cả việc sử dụng công cụ chỉnh sửa gene CRISPR-Cas9 đầu tiên ở người năm 2016. Gần đây, các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc tuyên bố đã tạo ra những con chuột con khỏe mạnh từ cha mẹ có cùng giới tính bằng công nghệ chỉnh sửa gene.

Nguồn:https://edition.cnn.com/2018/11/26/health/china-crispr-gene-editing-twin-babies-first-