Thiên thạch Ryugu nằm cách Trái Đất 300 triệu km, có đường kính 1km, được cho là chứa một lượng lớn các vật chất hữu cơ và nước từ khoảng 4,6 tỷ năm trước khi hệ Mặt Trời mới hình thành.
Ngày 22/2, tàu thăm dò Hayabusa2 của Nhật Bản đã đáp thành công xuống bề mặt một thiên thạch cách Trái Đất 300 triệu km để thu thập các mẫu vật tại đây và đưa về Trái Đất phục vụ nghiên cứu về sự hình thành của sự sống và hệ Mặt Trời.
Các quan chức thuộc Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cho biết tàu Hayabusa2 đã đáp xuống bề mặt thiên thạch Ryugu, bắn một viên đạn vào bề mặt thiên thạch này để thu thập các mẫu vật.
Giám đốc dự án, chuyên gia Yuichi Tsuda khẳng định tàu thăm dò đã đáp xuống bề mặt thiên thạch trong các điều kiện tốt nhất, trong khoảng thời gian ngắn hơn dự kiến và không gặp cản trở.
Hiện, quá trình liên lạc với tàu thăm dò này vẫn có lúc bị ngắt quãng vì ăngten của tàu không phải lúc nào cũng hướng về Trái Đất.
Có thể sẽ mất vài ngày để xác nhận liệu viên đạn đã được bắn có giúp thu thập được mẫu vật hay không.
Dự kiến tàu sẽ có thêm hai lần phóng đạn vào bề mặt Ryugu để thu thập mẫu vật từ thiên thạch này.
Trong lần phóng tới, Hayabusa2 hướng tới mục tiêu thu thập những vật chất "sơ khai" trong lòng Ryugu, những vật chất được cho là còn nguyên vẹn như lúc mới hình thành cùng hệ Mặt Trời, do không chịu tác động của gió hay bức xạ.
Thiên thạch Ryugu, có đường kính 1km, được cho là chứa một lượng lớn các vật chất hữu cơ và nước từ khoảng 4,6 tỷ năm trước khi hệ Mặt Trời mới hình thành.
Giới khoa học hy vọng những vật chất này sẽ giải đáp những thắc mắc cơ bản về sự sống và vũ trụ như liệu các vật chất trong không gian có giúp hình thành sự sống trên Trái Đất hay không.
Tàu Hayabusa2, trị giá 30 tỷ yen (260 triệu USD), được phóng lên vũ trụ từ tháng 12/2014 và dự kiến sẽ kết thúc hành trình thám hiểm và quay về Trái Đất năm 2020 với các mẫu vật thu thập được.
Ban đầu tàu dự kiến đáp xuống bề mặt Ryugu vào tháng 10/2018 nhưng sau đó kế hoạch bị hoãn lại do có các nghiên cứu cho rằng bề mặt thiên thạch này gồ ghề hơn dự tính nên JAXA quyết dịnh kéo dài thời gian để tìm địa điểm đáp phù hợp.
Về cơ bản, Hayabusa2 quan sát bề mặt thiên thạch bằng camera và các thiết bị cảm ứng đi kèm. Ngoài ra, tàu cũng triển khai 2 robot cỡ nhỏ MINERVA-II và MASCOT để hỗ trợ quá trình quan sát.
Với kích thước tương đương một chiếc tủ lạnh cỡ lớn và trang bị với các tấm pin năng lượng Mặt Trời, Hayabusa2 là thế hệ tiếp theo của tàu thăm dò Hayabusa.
Tàu thăm dò đời đầu này từng an toàn trở về Trái Đất năm 2010 với những mẫu vật từ một thiên thạch nhỏ hơn sau hành trình thám hiểm 7 năm và được ca ngợi như một kỳ tích vẻ vang của giới khoa học khi đó./