Trong xã hội hiện đại, nhiều người luôn cảm thấy bận rộn hơn bao giờ hết và cho rằng công việc hiện nay nhiều hơn trong quá khứ. Thực tế không phải như vậy, mà là bản thân họ đang tự làm khó, làm khổ mình.

Công việc không nhiều hơn quá khứ

Trong cuộc sống hiện đại, có một điều dường như không thể chối cãi là mọi người có vẻ bận rộn hơn. Trong các cuộc khảo sát trên khắp thế giới, rất nhiều người trả lời rằng họ đang quá tải với công việc, quá ít thời gian dành cho gia đình và bạn bè. Tuy nhiên theo các nhà khoa học, tổng thời gian con người lao động - dù được trả công hay không - không hề tăng tại châu Âu hoặc Bắc Mỹ trong những thập kỷ gần đây.

Con người hiện đại luôn cảm thấy bận điên cuồng. Ảnh: Jojorumbles

“Một trong những thay đổi lớn nhất trong 50 năm qua là phụ nữ ít làm những việc không được trả công (như là việc nhà) và làm nhiều những việc được trả công hơn. Trong khi đó, đàn ông ít làm những việc được trả công và làm nhiều những việc không được trả công hơn. Nhưng nói chung, khối lượng công việc tương đương những năm trước. “Không có số liệu cho thấy lượng công việc trong thời đại hiện nay tăng so với quá khứ” - ông Jonathan Gershuny, Đại học Oxford nói.

Điều gì khiến ta cảm thấy bận hơn?

Một phần câu trả lời nằm ở khái niệm kinh tế đơn giản. Khi nền kinh tế phát triển và thu nhập tăng theo thời gian, thời gian theo nghĩa đen đã trở thành có giá trị hơn. “Bất cứ giờ nào cũng có giá trị hơn, vì vậy chúng tôi trải nghiệm nhiều áp lực và sức ép trong công việc hơn” là cảm nhận quen thuộc. Nhưng điều đó cũng phản ánh tính chất các loại công việc mà nhiều người trong chúng ta đang tham gia.

Trong quá khứ, công việc chủ yếu là nghề nông hoặc tiểu thủ công và tuân theo giới hạn nhất định. Bạn không thể thu hoạch trước mùa vụ hay không thể tạo ra nhiều sản phẩm hơn với số vật liệu bạn có.

Tuy nhiên, trong thời hiện tại - mà nhà tư vấn quản lý Peter Drucker gọi là “việc làm tri thức”, điều này đã thay đổi: “Chúng ta đang sống trong một thế giới vô hạn. Luôn có thư điện tử, nhiều cuộc họp, nhiều điều để đọc, nhiều ý tưởng hơn để theo dõi. Và với công nghệ di động kỹ thuật số, bạn có thể dễ dàng lọc ra một danh sách công việc phải làm ở nhà, trong kỳ nghỉ hay ngay tại phòng tập. Kết quả chắc chắn là chúng ta cảm thấy choáng ngợp. Chúng ta là những con người hữu hạn với năng lượng và năng lực hữu hạn lại đang phải cố vượt qua lượng công việc vô hạn. Chúng ta cảm thấy áp lực phải “làm tất cả” tại công sở lẫn ở nhà. Điều đó không chỉ là khó khăn mà còn là không thể tính toán. Áp lực thời gian đè nặng và không có gì đáng ngạc nhiên khi con người luôn sống với một con mắt đặt trên đồng hồ”.

Các nghiên cứu cho thấy điều đó dẫn đến hiệu suất tồi tệ hơn (chưa kể giảm lòng trắc ẩn). Vì vậy, hậu quả của cảm giác bận rộn là chúng ta xử lý danh sách các việc phải làm kém hơn so với khi không bị áp lực.

Nhà kinh tế học Sendhil Mullainathan và nhà khoa học hành vi Eldar Shafir mô tả điều này như một vấn đề của “băng thông nhận thức”: Cảm giác của sự khan hiếm, bất kể là tiền hay thời gian, từ đó làm giảm năng lực ra quyết định. Khi bận rộn, bạn quản lý thời gian kém, tham gia vào các việc không thể xử lý, ưu tiên nhiệm vụ tầm thường hơn nhiệm vụ quan trọng. Bạn sẽ rơi vào một vòng xoáy luẩn quẩn: Cảm xúc về sự bận rộn khiến bạn thậm chí còn bận hơn trước.

Điều tồi tệ nhất là suy nghĩ này lây nhiễm cả vào thời gian giải trí, khiến bạn không có nổi một vài giờ để phục hồi sức khỏe.

Sự bận rộn đang có “địa vị cao”

Theo các chuyên gia, giải pháp cho “bệnh bận rộn” có thể nằm ở việc nhận thức rõ ràng thái độ của chúng ta đối với công việc. Trong lịch sử, biểu tượng cuối cùng của sự giàu có, thành tích và địa vị xã hội là sự tự do không phải làm việc. Huy hiệu thực sự của danh dự - như Thorstein Veblen - nhà kinh tế thế kỷ 19 từng gọi - là giải trí. Hiện sự bận rộn đang có chỉ số địa vị cao. “Bạn hỏi tôi, tôi bận và tôi nói với bạn: “Có, tất nhiên tôi đang bận bởi vì tôi là một người quan trọng” - ông Gershuny nói.

Nhà kinh tế học hành vi Dan Ariely kể một câu chuyện: Khi khởi nghiệp, anh thợ khoá luôn mất nhiều thời gian để mở cửa và thường xuyên phải phá khóa. Khách hàng đều vui vẻ trả tiền và thường xuyên boa. Khi anh làm tốt và nhanh hơn thì khách bắt đầu phàn nàn về chi phí và dừng boa. Vấn đề ở chỗ anh thợ nghĩ người ta cần vào nhà hoặc vào xe của mình càng nhanh càng tốt, còn khách hàng lại muốn anh bỏ nhiều thời gian và nỗ lực, cho dù họ phải đợi lâu hơn.

“Thông thường chúng ta có thái độ tương tự không chỉ với người khác mà là với chính mình: Chúng ta đo lường giá trị của mình không phải ở kết quả mà ở khoảng thời gian chúng ta tạo ra nó. Chúng ta đang sống điên cuồng bởi nó làm ta cảm nhận tốt hơn về bản thân. Có lẽ nếu không quá bận, chúng ta có thể tạm dừng đủ lâu để nhận ra điều đó” - Oliver Burkeman nói.