Một "siêu thuốc" giúp làm chậm sự tiến triển của ung thư máu (leukemia) ở trẻ em có thể sớm trở thành hiện thực, các nhà nghiên cứu cho biết.
Hình minh họa.
Trẻ em được chẩn đoán mắc ung thư bạch cầu do đột biến chuyển đoạn MLL (một loại ung thư ảnh hưởng đến máu và tủy xương) chỉ có tỷ lệ sống sót là 30 phần trăm. Bệnh nhân mắc bệnh này có tỷ lệ hồng cầu rất thấp, thiếu máu và có số lượng bạch cầu cao gấp khoảng 80 lần so với người bình thường.
"Ung thư bạch cầu ở trẻ em là con quái vật mà chúng tôi phải đối phó trong nhiều năm qua. Các tế bào bạch cầu này xâm nhập vào nhiều mô và cơ quan của bệnh nhân và là nguyên nhân chính gây tử vong cho các bệnh nhân xấu số mắc phải căn bệnh này"- Ali Shilatifard, giáo sư tại đại học Northwestern, Mỹ cho biết.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Genes and Development, nhóm nghiên cứu đã chứng minh rằng khi họ dùng các chất làm ổn định một protein đóng vai trò cốt lõi gây ra bệnh bạch cầu là MLL, bệnh bạch cầu sẽ tiến triển chậm hơn đáng kể. Bước tiếp theo là đưa "siêu thuốc" này vào thử nghiệm lâm sàng.
Shilatifard phát biểu thêm: "Cuối cùng chúng tôi cũng đến được thời điểm mà trong vòng 5 đến 10 năm tới, chúng tôi có thể có được một loại thuốc điều trị ung thư bạch cầu hiệu quả cho trẻ em. Nếu liệu pháp này mang lại tỷ lệ sống sót đến 85 phần trăm thì đây sẽ là một bước tiến lớn của y học."
Liệu pháp làm ổn định MLL này cũng có thể hiệu quả đối với một số loại ung thư khác như ung thư vú hoặc ung thư tuyến tiền liệt. Do vậy, phát triển liệu pháp này không những quan trọng đối với nhiều trẻ em được chẩn đoán mắc căn bệnh ung thư bạch cầu mà còn mở ra hy vọng cho các bệnh nhân mắc các loại ung thư khác.
Nguồn tin & ảnh: https://health.economictimes.indiatimes.com/news/diagnostics/super-drug-for-pediatric-blood-cancer-may-soon-be-reality/67238781
Lam Huyên dịch