Một chuyên gia công nghệ sống nhiều năm ở nước ngoài cho rằng, nhiều gia đình Việt đang đi ngược quy tắc tối ưu về đầu tư tài chính cho giáo dục.
Ở bậc mẫu giáo, tiểu học, họ cho con học trường cao cấp để được chăm sóc tốt, nhưng đến bậc trung học thì chỉ vào trường bình thường. Trong khi đó ở phương Tây, chi phí giáo dục luôn là một đồ thị đi lên, bởi từ bậc trung học trở lên là giai đoạn trẻ đã bộc lộ thiên hướng và cần được phát triển tối đa.
Giải thích xu hướng này, ông Nguyễn Thế Trung nói: “Đầu tư cho con hồi bé dễ hơn bởi trẻ nghe lời, việc tìm lớp 50-80% dựa vào ước muốn của cha mẹ. Phụ huynh thì rất hào hứng với việc đầu tư cho con vì đây cũng là khám phá cho họ. Khi trẻ lớn, họ phải lựa theo ý thích của con, chương trình học chính khóa ngày càng nặng nên đầu tư ngoại khóa giảm. Ngoài ra, có thể lúc đầu cha mẹ kỳ vọng rất nhiều, khi con lớn lên chỉ bộc lộ năng khiếu ở một vài lĩnh vực nên họ chỉ đầu tư vào đó”.
Tuy nhiên, ông Trung cho rằng khó so sánh mức độ hợp lý trong chiến lược tài chính của bố mẹ người Việt và bố mẹ tây, bởi đầu tư cho con ngoài tài chính còn có thời gian, công sức. Với trẻ lớn, phần công sức, thời gian bố mẹ phải bỏ ra trong vấn đề giáo dục cao hơn rất nhiều so với trẻ nhỏ. Về tiền bạc, vào cuối cấp trung học phổ thông - giai đoạn quan trọng về hướng nghiệp, lượng tài chính dồn cho con không thể ít hơn thời tiểu học.
Ngoài ra ở Việt Nam, kế hoạch lâu dài về đầu tư giáo dục con phải đối mặt với quá nhiều biến số. “Chẳng hạn, ai cũng muốn con mình phát triển thể chất, học tốt, giao tiếp xã hội tốt, có đạo đức, có nguồn gốc văn hóa… nhưng bạn bè không làm được thế, thầy cô không dạy thế, môi trường sống không như vậy. Đây là những biến số mà họ không lường trước hay thay đổi được. Cuối cùng, nhiều người chấp nhận cho con học hết phổ thông rồi hướng con đi du học để thay đổi” - ông Trung chia sẻ.
TS Chu Cẩm Thơ - Phó trưởng bộ môn Phương pháp dạy toán, khoa Toán - Tin, Đại học Sư phạm Hà Nội - cho rằng nên tập trung đầu tư cho trẻ ngay khi còn bé: “Xét về khoa học tâm lý và giáo dục, nếu tạo lập được những năng lực cần thiết ngay từ nhỏ thì khi lớn lên, trẻ sẽ vững vàng làm chủ cuộc sống. Nhiều năng lực như tự học, tự chủ (tự phục vụ, chăm sóc bản thân, hòa đồng) hợp tác... nếu chờ khi lớn mới rèn luyện thì quá muộn”.
Tuy nhiên đầu tư sớm, nhiều mà sai cách thì càng nguy hiểm. Theo TS Thơ, với trẻ từ 0-3 tuổi, cần chăm lo sức khỏe, sinh dưỡng. Từ 3-7 tuổi, cần quan tâm đến các kỹ năng tiền tư duy (quan sát, tưởng tượng, thao tác) và kỹ năng tự phục vụ, hòa nhập. Từ 7-13 tuổi, cần rèn kỹ năng tự học, hợp tác, phản biện, lập luận có căn cứ, ngôn ngữ. “Việc cha mẹ ép con học nhồi nhét, học kiến thức mà quên rèn tư duy, khả năng tự lập, ý thức cộng đồng sẽ làm yếu đi những phẩm chất, năng lực của trẻ” - theo quan điểm của TS Thơ.