Tiến sĩ Monica Laronda, trưởng nhóm nghiên cứu, hy vọng kỹ thuật này sẽ mở ra giải pháp điều trị mới, giúp khôi phục khả năng sinh sản và chức năng nội tiết tố ở phụ nữ.
Hiện nay vô sinh không còn là vấn đề hiếm gặp mà nó đang trở nên quá phổ biến, thậm chí ngày càng có nguy cơ tăng cao. Không chỉnam giới mà nhiều chị em phụ nữ cũng đang gặp phải vấn đề nghiêm trọng này.
Ngoài cách thức tiến hành thụ tinh ống nghiệm, đông lạnh trứng thì mới đây, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Northwestern (Mỹ) cho biết, trong tương lai phụ nữ bị vô sinh có thể sinh con nhờ buồng trứng in bằng công nghệ 3D.Phương pháp này mang lại cơ hội làm mẹ cho những người phụ nữ đã trải qua điều trị ung thư và cho cả những người ở trong thời kỳ mãn kinh sớm.
Vô sinh ở phụ nữ có liên quan đến một số nguyên nhân như do ảnh hưởng của hóa trị trong quá trình điều trị ung thư, mãn kinh sớm, bệnh di truyền… khiến cơ thể họ sẽ mất đi khả năng sản sinh ra trứng, từ đó dẫn đến vô sinh.
Phương pháp này mang lại cơ hội làm mẹ cho những người phụ nữ đã trải qua điều trị ung thư và cho cả những người ở trong thời kỳ mãn kinh sớm.
Được biết, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm kỹ thuật mang tính đột phá này lên chuột cái. Các nhà khoa học tại Đại học Northwestern (Mỹ) đã sử dụng máy in 3D để tạo ra một “giàn giáo” gelatin từ collagen protein động vật. “Giàn giáo” gelatin có “lỗ chân lông”, do đó một khi nó được cấy ghép, các chất dinh dưỡng từ máu sẽ chảy qua để giúp trứng phát triển.
Nhóm nghiên cứu đảm bảo rằng phần cấu trúc này đủ sức chịu đựng áp lực trong quá trình phẫu thuật và đủ rộng để lưu giữ các tế bào sản xuất nội tiết tố cũng như trứng chưa trưởng thành (được gọi là các tế bào trứng).
Sau khi "giàn giáo" collagen được “in”, các nhà khoa học nuôi dưỡng bộ khung với nang buồng trứng để tạo ra buồng trứng sinh học hoàn chỉnh và tiến hành cấy trên chuột đã bị loại bỏ buồng trứng.
Kết quả thí nghiệm cho thấy khá tích cực. Trong một nghiên cứu được báo cáo vào đầu tháng, những con chuột được cấy ghép với buồng trứng in 3D đã bắt đầu rụng trứng và sinh ra một thế hệ chuột con khỏe mạnh. Buồng trứng sinh học đã có thể hỗ trợ sự phát triển của các mạch máy mà không cần bất kỳ sự kích thích bên ngoài nào. Quá trình cấy ghép cũng đã khôi phục chu kỳ hormone của động vật.
Những con chuột được cấy ghép với buồng trứng in 3D đã bắt đầu rụng trứng và sinh ra một thế hệ chuột con khỏe mạnh
Khi tiến hành cấy ghép buồng trứng in 3D lên người, các nhà khoa học muốn ưu tiên các đối tượng bị vô sinh do phải điều trị hóa chất.
Tuy nhiên theo tiến sĩ Channa Jayasena, một nhà tư vấn nội tiết sinh sản tại trường Imperial College và Bệnh viện Hammersmith, London, cho biết việc cấy ghép này có thể được tiến hành rộng rãi trên mọi trường hợp vô sinh ở nữ giới, chẳng hạn như những người đang trong thời kỳ mãn kinh sớm vì buồng trứng in 3D cũng có thể khôi phục lại sản sinh hormone sinh dục ở phụ nữ.
Tiến sĩ Monica Laronda, trưởng nhóm nghiên cứu, hy vọng kỹ thuật này sẽ mở ra giải pháp điều trị mới, giúp khôi phục khả năng sinh sản và chức năng nội tiết tố ở phụ nữ. Tuy nhiên, Tiến sĩ Jayasena cảnh báo rằng kết quả ở những con chuột không có nghĩa là công nghệ này chắc chắn sẽ hiệu quả trên cơ thể con người.
Philip Breedon, một giáo sư về công nghệ thông minh tại Đại học Nottingham Trent nói rằng: “Kết quả buồng trứng in 3D là vô cùng ấn tượng. Nó cho thấy chúng tôi đang đi đúng hướng. Hy vọng là trong vòng 10 đến 15 năm tới, công nghệ in 3D sẽ trở thành chủ đạo, góp phần “in” ra nhiều bộ phận cơ thể quan trọng khác như tim, gan và thận”.
Hiện nhóm nghiên cứu hiện đang có kế hoạch thử nghiệm trên lợn để nắm bắt được các tác dụng phụ trước khi chuyển sang cấy ghép lên người.