Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vừa thông qua việc thành lập Trung tâm Toán học và Vật lý dạng II của Việt Nam dưới sự bảo trợ của UNESCO.

Trung tâm dạng II là một loại hình các viện chuyên môn trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của UNESCO: giáo dục, khoa học, văn hóa, thông tin của các nước thành viên UNESCO được UNESCO công nhận và bảo trợ vì tầm nhìn và sứ mệnh nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành cho khu vực và quốc tế phù hợp với các chính sách và chiến lược của UNESCO, góp phần thực hiện các mục tiêu, chương trình phát triển của tổ chức này và phát huy được sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyên môn giữa các nước thành viên.

Đến nay, UNESCO đã công nhận và bảo trợ 98 trung tâm khoa học dạng II, trong đó có 49 trung tâm thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên. Trong khu vực ASEAN, đã có hai nước là Malaysia và Indonesia có Trung tâm khoa học được UNESCO công nhận và bảo trợ.

Năm 2015 có 17 trung tâm dạng II về khoa học cơ bản được thông qua, trong đó riêng Việt Nam được thông qua hai trung tâm Toán học và Vật lý.

Từ đầu năm 2014, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu, rà soát tiềm lực khoa học công nghệ bao gồm: các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc, quan hệ hợp tác quốc tế song phương và đa phương, năng lực cán bộ nghiên cứu khoa học... và thống nhất trước hết chọn hai lĩnh vực Toán và Vật lý là hai thế mạnh của Việt Nam làm bước mở màn, đề xuất thành lập hai trung tâm khoa học trên cơ sở Viện Toán học và Viện Vật lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để được UNESCO công nhận và bảo trợ.

Hai hồ sơ của Việt Nam đã đạt chất lượng cao, được Ban thư ký Bộ phận khoa học UNESCO và nhiều nước thành viên UNESCO đánh giá cao.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, việc Việt Nam được UNESCO công nhận và bảo trợ vào mạng lưới trung tâm khoa học dạng II có ý nghĩa vô cùng to lớn. Đây chính là sự công nhận của quốc tế đối với trí tuệ của Việt Nam bên cạnh những công nhận về di sản thiên nhiên và văn hóa của Việt Nam.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Việc tham gia mạng lưới Trung tâm khoa học được UNESCO công nhận và bảo trợ nhằm thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020, hình thành những tổ chức nghiên cứu cơ bản đạt trình độ khu vực và thế giới, đồng thời thực hiện mục tiêu đưa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thành một trong những tổ chức khoa học hàng đầu ASEAN.

Đồng thời việc tham gia mạng lưới cũng khẳng định và nâng cao vị thế khoa học của Việt Nam, giúp khoa học Việt Nam hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.

Ngoài ý nghĩa khoa học, việc thu hút sinh viên, nghiên cứu sinh của các nước trên thế giới, trước hết là trong khu vực đến học tập tại Việt Nam còn có ý nghĩa về mặt chính trị, tạo sự đoàn kết gắn bó trong khu vực, giúp nâng cao hình ảnh, vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam. Đây cũng vừa là cơ hội, vừa là thách thức khi Việt Nam tham gia vào mạng lưới Trung tâm dạng II của UNESCO.

Kỳ họp lần thứ 38 của Đại hội đồng UNESCO diễn ra từ ngày 3-18/11/2015 tại trụ sở UNESCO ở Paris ( Pháp), với sự tham gia của đại diện của 195 nước thành viên, các nước thành viên liên kết, các nước quan sát viên, các tổ chức quốc tế và phi chính phủ./.