Đây là ý kiến của Cố vấn đặc biệt thuộc Ủy ban nghiên cứu Na Uy Svend Otto Remoe trong buổi hội thảo “Phát triển năng lực về chính sách đổi mới và quản lý các chương trình nghiên cứu và phát triển” tổ chức trong 2 ngày 4-5/4 tại Hà Nội.
Đổi mới và khoa học công nghệ đang được Đảng và Nhà nước ta vô cùng chú trọng nhằm thúc đẩy kinh tế bắt kịp sự phát triển của những quốc gia khác trên thế giới.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đỗ Tiến Dũng – Giám đốc quỹ NAFOSTED - nói: “Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực để nâng cao năng suất và tính cạnh tranh của nền kinh tế. Ngân hàng thế giới trong báo cáo phát triển kinh tế Việt Nam tới năm 2035 cũng nhận xét thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mới giúp Việt Nam phát triển bền vững…Đây chính là lý do mà chúng tôi tin rằng buổi hội thảo sẽ có ích cho các tổ chức khoa học, công nghệ và đổi mới, các cơ quan chính phủ”.
Ông Remoe cho rằng để phát triển năng lực trong đổi mới sáng tạo, Việt Nam cần phát triển nguồn lực con người – phát triển giáo dục.
“Điều quan trọng nhất là cả hệ thống giáo dục cần nỗ lực để phát triển nguồn lực con người. Tiếp nữa Việt Nam cần biết lựa chọn ưu tiên phát triển 3-4 lĩnh vực nào đó (có thể để phát triển kinh tế, nâng cao sức khỏe cộng đồng…) trong thời gian vài chục năm nữa để đầu tư nghiên cứu và phát triển một cách có trọng tâm.
Không nên đầu tư dàn trải bởi khi nguồn lực bị phung phí, sẽ không có nhiều tác dụng cho việc phát triển năng lực đổi mới sáng tạo.
Muốn thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và phát triển trong những lĩnh vực ưu tiên, điều quan trọng là nhân lực phải được đào tạo. Ngoài ra, các bạn cũng nên mời gọi các nhà nghiên cứu nước ngoài, kiều bào về nước tham gia nghiên cứu. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tạo dựng được một hệ thống nghiên cứu đủ điều kiện để các nhà nghiên cứu có thể tập hợp làm việc toàn thời gian, cũng như tham gia được vào hoạt động nghiên cứu trên thế giới”.
Hiền Thảo