Các nhà thiên văn học vừa phát hiện một ngoại hành tinh lạnh giá có khối lượng gấp ba lần Trái đất, quay quanh ngôi sao lùn đỏ Barnard cách hệ Mặt trời khoảng 6 năm ánh sáng.
Siêu Trái đất Barnard’s Star b. Ảnh: Shutterstock
Hành tinh này được gọi là Barnard’s Star b. Nó là hành tinh gần Trái đất thứ hai chỉ xếp sau Proxima b, một ngoại hành tinh giống Trái đất nằm trong hệ sao Alpha Centauri. Các nhà khoa học thu được kết quả này sau khi phân tích dữ liệu từ 7 thiết bị thiên văn với thời gian quan sát trong 20 năm. Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature vào tháng 11/2018.
Cơ hội tìm thấy nước lỏng trên hành tinh Barnard’s star b rất nhỏ do nó ở xa gấp 5 lần vùng có thể sinh sống quanh ngôi sao chủ. Nếu đây là một hành tinh đá, nhiều khả năng nó bị đóng băng với nhiệt độ trung bình khoảng -170°C.
“Khám phá mới mang ý nghĩa thúc đẩy quá trình tìm kiếm ngoại hành tinh tiếp tục diễn ra, với hy vọng tìm thấy một hành tinh đủ điều kiện hỗ trợ sự sống”, Cristina Rodríguez-López, thành viên của nhóm nghiên cứu tại Viện Vật lý Thiên văn Andalusia (Tây Ban Nha), cho biết.
Quốc Lê (Theo CNN)