Bất bình đẳng giới tại Trung Quốc
“Phụ nữ nắm giữ một nửa bầu trời” là khẩu hiệu nổi tiếng ở Trung Quốc của Mao Trạch Đông vào giữa thế kỷ XX, nhằm nhấn mạnh tính bình đẳng của phụ nữ trong cộng đồng và đời sống riêng tư. Mặc dù Trung Quốc sử dụng những khẩu hiệu như vậy và có tuyên bố trong Hiến pháp về bình đẳng giới trước hàng thập kỷ so với nhiều quốc gia khác, nhưng hiện tượng bất bình đẳng giới vẫn tồn tại ở quốc gia này. Đến năm 2017, chỉ có 6% số thành viên của Học viện Khoa học Trung Quốc là phụ nữ.
Trong thập niên 1980 và 1990, những tiến bộ công nghệ của Trung Quốc chủ yếu đều liên quan đến nhập khẩu kiến thức. Hiện nay, Trung Quốc tập trung vào việc nghiên cứu và phát triển (R&D) của riêng mình cũng như đổi mới sáng tạo. Số người làm việc trong lĩnh vực R&D tăng từ 3,2 triệu người trong năm 2009 lên mức 5,8 triệu người trong năm 2016. Tuy nhiên, phụ nữ chỉ chiếm khoảng 1/4 lực lượng lao động nói trên.
Sự phân biệt đối xử và thành kiến với phụ nữ tại nơi làm việc ở Trung Quốc diễn ra rất phổ biến. Ví dụ, một cuộc khảo sát được tiến hành tại Bắc Kinh vào năm 2015 cho thấy, 87% nữ sinh viên của các trường đại học bị phân biệt đối xử về giới trong khi đi xin việc. Khoảng 32% các nhà khoa học nữ báo cáo rằng, họ gặp phải các nhà tuyển dụng chỉ muốn tuyển nam giới trong lúc tìm kiếm việc làm đầu tiên cho bản thân(84% phụ nữ được khảo sát ở độ tuổi từ 45 trở xuống).
Ngày càng có nhiều phụ nữ hơn trong các phòng thí nghiệm của Trung Quốc. Nguồn: SCMP
Tương tự các quốc gia khác, có ít phụ nữ Trung Quốc trải qua từng giai đoạn của một sự nghiệp khoa học. Trong năm 2016, ước tính có 53% học viên cao học và 39% nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Trung Quốc là phụ nữ. Tỷ lệ này giảm xuống còn 14% đối với những người nhận Giải thưởng Học giả Trẻ Xuất sắc của Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia Trung Quốc (NSFC).
Phụ nữ ít có khả năng thay đổi địa điểm làm việc hơn nam giới để phát triển sự nghiệp. Nguyên nhân là do cái giá chuyển đổi của phụ nữ cao hơn nhiều so với nam giới, bởi vì yếu tố hôn nhân và gia đình. Nhiều trường đại học tại Trung Quốc đã áp dụng chính sách “thăng chức hoặc thôi việc”. Các nhà khoa học có được vị trí ổn định trong trường chỉ khi họ vượt qua một đánh giá vào cuối giai đoạn thử thách kéo dài 6 năm, thường trùng với thời kỳ sinh đẻ của phụ nữ.
Chính sách ưu tiên cho phụ nữ
Năm 2010, văn kiện chung của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hội đồng Nhà nước đã kêu gọi tạo ra các chính sách nhằm giúp những người đàn ông và phụ nữ tài năng cân đối giữa công việc và gia đình, đồng thời cân bằng tỷ lệ giới tính ở những nơi làm việc chuyên nghiệp. Năm 2011, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc và Liên đoàn Phụ nữ Quốc gia phối hợp ban hành một văn bản chính sách để thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ trong sự nghiệp khoa học, công nghệ.
Năm 2010, một cuộc khảo sát các ứng viên của NSFC cho thấy, khoảng 70% phụ nữ và 24% nam giới ủng hộ các chính sách chủ động tạo điều kiện ưu tiên cho phụ nữ. Những biện pháp về chế độ thai sản và quyền cha mẹ được ủng hộ bởi phần lớn các nhà khoa học thuộc cả hai giới.
Hầu hết đơn xin tài trợ và đơn xin việc tại Trung Quốc đều giới hạn điều kiện theo độ tuổi. Do đó, việc thay đổi các yêu cầu này tạo ra một cách để hỗ trợ các nhà khoa học nữ, theo NSFC. Năm 2011, NSFC đã mở rộng độ tuổi giới hạn của phụ nữ khi nộp đơn tới Quỹ Nhà khoa học Trẻ từ 35 lên 40. Trong khi đó, nam giới vẫn giữ nguyên ở mức 35 tuổi. Quỹ Nhà khoa học Trẻ là quỹ lớn thứ hai của NSFC, giúp các học giả trong lĩnh vực khoa học cơ bản đang ở giai đoạn đầu của sự nghiệp nhận được khoản tiền tài trợ quốc gia. Tính đến năm 2016, chương trình này chiếm 13,8% khoản ngân sách 4,1 tỷ USD mà NSFC đã chi cho các dự án.
Giới hạn tuổi cao hơn (38 cho nam giới, 40 đối với nữ) cũng được thiết lập cho một chương trình mới, Quỹ Nhà Khoa học Trẻ Xuất sắc. Quỹ này hỗ trợ khoảng 400 dự án một năm và chiếm 2,2% ngân sách của NSFC. Một chính sách mới khác cho phép phụ nữ nộp đơn xin gia hạn các điều khoản của dự án NSFC lên đến 24 tháng để nghỉ thai sản.
Cũng trong năm 2011, NSFC cam kết tăng số lượng các nhà khoa học nữ trên các bảng đánh giá, mặc dù không đặt ra một chỉ tiêu cụ thể. NSFC yêu cầu hội đồng xét duyệt ưu tiên cho các ứng viên nữ, tăng cường tính công khai xung quanh kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học nữ, đồng thời thu thập dữ liệu thống kê về giới tính của các ứng viên và người nhận được tài trợ.
Hiệu quả đạt được
Những thay đổi chính sách của Trung Quốc, đặc biệt là của NSFC, nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ trong khoa học đã thu được nhiều thành tựu đáng kể. Phụ nữ đã có một môi trường nghiên cứu bình đẳng hơn với nam giới để phát huy tài năng của họ.
Việc mở rộng độ tuổi giới hạn của phụ nữ năm 2011 đã khiến tỷ lệ phần trăm phụ nữ nộp đơn xin tài trợ tới Quỹ Nhà khoa học Trẻ tăng từ 37% lên mức 48%. Số lượng đơn xin tài trợ của phụ nữ tăng 94% (25.694 đơn), khoảng 1/3 số phụ nữ này ở độ tuổi từ 36 đến 40. Trong khi đó, đơn xin tài trợ của nam giới chỉ tăng 23% (28.397 đơn).
Năm 2011, tỷ lệ phần trăm các nhà khoa học nữ được nhận tài trợ tăng từ 33% lên 43%, và hiện nay vẫn duy trì ở mức này. Tuy nhiên, tỷ lệ xin tài trợ thành công của những phụ nữ ở độ tuổi từ 36 đến 40 thường thấp hơn phụ nữ trẻ.
Năm 2017, số lượng đơn xin tài trợ của các nhà khoa học nam tăng 25% và nhà khoa học nữ tăng 31%. Đại diện phụ nữ trên các bảng xem xét tài trợ tăng 45% trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2017.
Chưa có phụ nữ nào xin gia hạn các điều khoản của dự án NSFC cho việc mang thai hoặc nuôi con. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học nữ có thể sẽ nộp đơn xin gia hạn nếu họ biết về chính sách này. Trong một cuộc khảo sát năm 2016, 60% các nhà khoa học nữ nói rằng họ chưa bao giờ nghe về nó.