GS Võ Tòng Xuân - cha đẻ của nhiều giống lúa nơi vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long - đã qua đời vào sáng 19/8, hưởng thọ 84 tuổi.

GS.TS Võ Tòng Xuân
GS.TS Võ Tòng Xuân. Ảnh: Trường Đại học Nam Cần Thơ

GS.TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng danh dự của Trường Đại học Nam Cần Thơ, đã trút hơi thở cuối cùng vào sáng 19/8/2024, sau thời gian dài điều trị bệnh.

“Giáo sư Võ Tòng Xuân là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam, với những đóng góp to lớn trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào sản xuất nông nghiệp. Cống hiến của Giáo sư cho ngành giáo dục và khoa học đã để lại dấu ấn sâu đậm và truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ sinh viên, nhà khoa học trẻ”, Trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết.

GS.TS. Võ Tòng Xuân sinh ngày 6/9/1940 tại An Giang. Năm 1966, ông tốt nghiệp cử nhân hóa nông và được nhận làm nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI).

Năm 1971, ông bắt đầu làm việc tại Viện Đại học Cần Thơ và lấy bằng tiến sĩ tại Nhật Bản sau đó bốn năm.

GS Võ Tòng Xuân giữ chức Phó hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ từ năm 1982-1997. Từ tháng 12/1999 đến tháng 11/2007, ông là Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang. Từ năm 2010 đến tháng 10/2013, ông giữ chức Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo. Ông từng là ủy viên Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam trong 10 năm, từ 1996-2006.

Tháng 10/2013, ông là thành viên Hội đồng sáng lập và sau đó giữ chức quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, sau đó là Hiệu trưởng danh dự của Trường.

GS Võ Tòng Xuân là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, giáo trình, sách, tài liệu tham khảo có giá trị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Ông được biết đến là một trong những người phổ biến giống lúa IR36 trên các vùng thường xuyên bị sâu bệnh tấn công, hợp tác với nông dân áp dụng các kỹ thuật cấy ghép tiên tiến.

Vào năm 1976, nông dân ĐBSCL rơi vào khốn khó khi hầu hết các giống lúa cao sản lúc bấy giờ như TN73-2, IR26 bị cháy rầy nâu biotype 2. Trước tình thế này, GS Gurdev Singh Khush (Viện IRRI) đã gởi 5gr hạt giống lúa IR36 qua đường bưu điện đến GS. Võ Tòng Xuân. Để nhanh chóng nhân giống 5gr hạt giống này, GS Võ Tòng Xuân đã thuyết phục lãnh đạo Đại học Cần Thơ chấp nhận đóng cửa toàn trường để đưa sinh viên giúp nông dân. Hơn 2.000 sinh viên đã được huấn luyện cấp tốc ba phương pháp cơ bản: sản xuất mạ, chuẩn bị đất cấy và kỹ thuật cấy lúa 1 tép/bụi. Nhờ đó, chỉ trong hai vụ trồng, giống IR36 đã phủ kín khắp các vùng lúa cao sản, nông dân trúng mùa. Đến những năm 1980, giống lúa IR36 đã được sử dụng trên toàn cầu với diện tích canh tác lên đến 11 triệu héc-ta. Đến năm 2000, việc phổ biến rộng rãi IR36 và các giống lúa khác đã góp phần đáng kể vào việc tăng năng suất lúa gạo, với sản lượng tăng lên đến 600 triệu tấn.

Nhờ các sáng kiến này, Giáo sư đã thúc đẩy mở rộng khả năng tiếp cận với hạt giống lúa chất lượng và tăng cường sản lượng lúa gạo với chi phí thấp hơn mà không sử dụng hóa chất độc hại.

Ngoài IR36, những năm đất nước còn nhiều khó khăn, ông đã đưa các giống lúa Thần Nông, IR33, IR64, MTL30 phổ biến khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Không chỉ nổi tiếng trong nước, các công trình nghiên cứu của ông còn mang lại nhiều lợi ích cho các nước ở châu Phi.

Giáo sư Võ Tòng Xuân và ông Hồ Quang Cua trên cánh đồng lúa thử nghiệm.
GS Võ Tòng Xuân (giữa) và kỹ sư Hồ Quang Cua (trái) trên cánh đồng lúa ST thử nghiệm. Ảnh: GS Võ Tòng Xuân

Trong sự nghiệp của mình, ông đã được trao nhiều huân, huy chương và giải thưởng, tiêu biểu như: Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới năm 1985, Huân chương Lao động hạng nhất năm 1986, Nhà giáo Nhân dân năm 1999, và gần đây nhất vào năm 2023, GS Võ Tòng Xuân là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên được vinh danh tại giải thưởng VinFuture với công trình Phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Khi ấy, GS Võ Tòng Xuân và người đồng nghiệp Ấn Độ của mình - GS Gurdev Singh Khush - chia sẻ rằng hai ông muốn sử dụng số tiền thưởng vào việc phát triển những giống lúa mới, những giống lúa tiềm năng trong tương lai, phù hợp hơn với môi trường và biến đổi khí hậu.

Tang lễ GS Võ Tòng Xuân sẽ được tổ chức tại TP Cần Thơ để các thế hệ sinh viên và người dân ĐBSCL có thể thuận tiện đến viếng và đưa tiễn ông.