Việc ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ thời gian qua đã đạt nhiều kết quả có giá trị khoa học và thực tiễn trên một số lĩnh vực ứng dụng nhất là trong y học hạt nhân, xạ trị, chọn tạo giống xây trồng và các ngành công nghiệp, tài nguyên môi trường…
Ông Chu Ngọc Anh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã chia sẻ điều này tại Hội nghị:“Đánh giá kết quả giai đoạn 2006-2015 thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020”, do Viện Năng lượng nguyên tử (NLNT) Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sáng 16/10.
Theo Thứ trưởng Chu Ngọc Anh, Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2006. Chiến lược đã đề ra các mục tiêu phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử trên cả hai lĩnh vực: ứng dụng bức xạ và quản lý phóng xạ trong phát triển điện hạt nhân ở nước ta nhằm từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp công nghệ hạt nhân đóng góp hiệu quả trực tiếp cho phát triển kinh tế xã hội và tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ của đất nước.
Thời gian qua việc hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý, xây dựng cơ chế chính sách, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như các bộ ngành liên quan triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Việc nghiên cứu ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ đã được các cơ quan, đơn vị thuộc các bộ ngành, địa phương thực hiện nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp, đầu tư nhiều trang thiết bị, đẩy mạnh hợp tác quốc tế thu được nhiều kết quả có giá trị khoa học và thực tiễn.
Báo cáo tại hội nghị, TS Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục NLNT đã nêu những kết quả nổi bật trong nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế giai đoạn 2006-2015.
Theo đó trong lĩnh vực y tế hầu hết các bệnh viện tuyến huyện trong cả nước đều có máy chụp X-quang thường quy. Hiện cả nước có trên 30 cơ sở y học hạt nhân đang hoạt động với 31 máy SPECT, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương có tốc độ phát truyển chuyên ngành y học hạt nhân nhanh và hiệu quả.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, đã có tới trên 50 giống cây trồng được tạo ra bằng phương pháp chiếu xạ gây đột biến, bao gồm các giống lúa, đậu tương, bưởi…
Hiện Việt Nam được Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đánh giá là nước đứng hàng thứ 8 trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu về đột biến tạo giống, được trao giải thưởng thành tự xuất sắc về đột biến tạo giống.
Ghi nhận sự đóng góp trong nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo trong lĩnh vực NLNT phục vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2006-2015, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã quyết định tặng bằng khen cho 8 tạp thể và 5 cá nhân.
Bích Ngọc