Trên cơ sở các văn bản hợp tác đã được ký kết, trong năm học 2015-2016, Chính phủ Liên bang Nga đã cấp cho Việt Nam gần 800 suất học bổng và năm học 2016-2017, Nga dự kiến dành cho Việt Nam từ 800 đến 1.000 suất học bổng.


Trong hai ngày 5-6/11, tại thủ đô Moskva của Liên bang Nga đã diễn ra khóa họp thứ nhất Ủy ban hợp tác Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Nga-Việt.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Chu Ngọc Anh cùng Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Khoa học Liên bang Nga Veniamin Kaganov chủ trì khóa họp.

Thứ trưởng Chu Ngọc Anh và Thứ trưởng Kaganov Veniamin Shaevich ký Biên bản và quy chế của Ủy ban hợp tác Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Nga-Việt. (Ảnh: Quế Anh/Vietnam+)
Thứ trưởng Chu Ngọc Anh và Thứ trưởng Kaganov Veniamin Shaevich ký Biên bản và quy chế của Ủy ban hợp tác Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Nga-Việt. (Ảnh: Quế Anh/Vietnam+)

Tại đây hai bên đặc biệt chú trọng mô hình hợp tác song phương thông qua Trung tâm nhiệt đới Việt-Nga; đánh giá cao nền tảng cơ sở nghiên cứu của Liên hợp viện nghiên cứu hạt nhân tại thành phố Dubna, coi đó là tiền đề phát triển hợp tác khoa học-kỹ thuật trong thời kỳ mới và mở ra các cơ hội phát triển giáo dục, đào tạo giữa hai nước.

Hai bên bày tỏ hài lòng về kết quả hợp tác trong lĩnh vực giáo dục suốt 6 thập kỷ qua và khẳng định lãnh đạo cấp cao hai nước đều dành sự quan tâm đặc biệt nhằm tăng cường, củng cố, mở rộng các hình thức hợp tác trong lĩnh vực này.

Trên cơ sở các văn bản hợp tác đã được ký kết, trong năm học 2015-2016, Chính phủ Liên bang Nga đã cấp cho Việt Nam gần 800 suất học bổng và năm học 2016-2017, Nga dự kiến dành cho Việt Nam từ 800 đến 1.000 suất học bổng.

Phát biểu tại khóa họp, Thứ trưởng Chu Ngọc Anh và Thứ trưởng Kaganov đều khẳng định ý nghĩa quan trọng của khóa họp lần thứ nhất này, coi đây là điểm khởi đầu nhằm cụ thể hóa Hiệp định đối tác chiến lược trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ được ký cuối năm 2014 vừa qua.

Thứ trưởng Kaganov nhấn mạnh giữa Nga và Việt Nam có bề dày quan hệ hợp tác hết sức chặt chẽ và hiệu quả. Kể từ khóa họp này, mối quan hệ hợp tác Nga-Việt trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ sẽ có thêm động lực phát triển mới về chất, nhất là sau khi lãnh đạo hai nước ký văn bản nâng tầm mối quan hệ.

Thứ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh lưu học sinh tốt nghiệp đại học tại Liên bang Nga có chuyên môn tốt, về nước đảm nhận các chức vụ quan trọng và là cán bộ nguồn trong các cơ quan nhà nước và các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.

Kết thúc khóa họp, hai bên đã ký Biên bản và quy chế của Ủy ban hợp tác Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Nga-Việt.

Hợp tác khoa học và công nghệ được xem là một trong những trụ cột của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 30/1/1950, hai nước đã dành ưu tiên phát triển hợp tác trong lĩnh vực khoa học-kỹ thuật, nhất là từ khi Hiệp định hợp tác khoa học-kỹ thuật giữa Việt Nam và Liên Xô được ký ngày 7/3/1959 và Hiệp định về đối tác chiến lược trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ được ký cuối năm 2014.