|
Năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn yếu kém nếu so với nhiều nước trong khu vực. Ảnh: Internet.
|
Theo đánh giá của Bộ TT&TT, hiện nay công nghiệp CNTT đã trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, doanh thu cao, giá trị xuất khẩu lớn. Việt Nam đủ khả năng phát triển, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ CNTT đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, tạo nền tảng để phát triển kinh tế tri thức.
Trong điều kiện nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn và phục hồi chậm nhưng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam như Samsung, LG, Panasonic, Canon, Intel...
Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho thấy, tính đến nay riêng lĩnh vực công nghiệp điện tử Việt Nam đã thu hút hơn 10 tỷ USD vốn FDI với các tên tuổi lớn như Samsung, Foxconn, LG, Panasonic, Intel…
Về doanh thu, tổng doanh thu công nghiệp CNTT tiếp tục đạt mức cao, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, đóng góp ngày càng tăng vào tăng trưởng GDP cũng như xuất khẩu của cả nước.
Từ năm 2013 đến nay tỷ trọng xuất khẩu luôn chiếm vị trí dẫn đầu trong các ngành xuất khẩu của Việt Nam, tổng giá trị xuất khẩu hàng năm đã vượt ngưỡng 30 tỷ USD.
Nguồn tin từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 11 tháng của năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực trong lĩnh vực công nghiệp CNTT đạt khá cao so với cùng kỳ năm trước: điện thoại các loại và linh kiện đạt 28,5 tỷ USD, tăng 29,6%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 14,3 tỷ USD, tăng 38,2%... (trong đó đóng góp lớn nhất là của khối doanh nghiệp FDI, trong đó dẫn đầu là Samsung).
Sức hấp dẫn của công nghiệp điện tử Việt Nam hiện nay vẫn chính là các nhà máy sản xuất điện thoại di động quy mô lớn, trong đó Samsung là lớn nhất với nhà máy 2,5 tỷ USD ở Bắc Ninh và nhà máy 2 tỷ USD tại Thái Nguyên.
Dù vậy, theo đánh giá của Bộ TT&TT, bên cạnh những kết quả đạt được thì quy mô phát triển của ngành công nghiệp CNTT của Việt Nam còn nhỏ, năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh so với các nước trong khu vực và trên thế giới còn yếu.
Cùng đó, công nghiệp phần mềm mặc dù phát triển nhanh nhưng còn khá manh mún, thiếu tập trung nguồn lực, năng lực nghiên cứu và phát triển lĩnh vực này chưa cao, đội ngũ nhân lực còn thiếu về số lượng và yếu về các kỹ năng chuyên sâu cũng như ngoại ngữ.
Cũng theo đánh giá của Bộ TT&TT, công nghiệp phần cứng, điện tử nặng về lắp ráp, tỷ lệ nội địa hoá và hàm lượng giá trị gia tăng đem lại không cao, chỉ chiếm khoảng 10% tổng doanh thu.
Ví dụ, gần đây phía Samsung Việt Nam cho biết, trong số 80 doanh nghiệp vệ tinh đang cung cấp linh kiện, phụ kiện cho hãng tại Việt Nam thì tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam cung cấp cho Samsung chỉ dưới 10%, đặc biệt lại chủ yếu cung ứng in ấn và bao bì - tức là những phần hưởng giá trị gia tăng thấp nhất, không tiếp thu được công nghệ cao, không có sức lan tỏa tới nền kinh tế.