Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Earth and Planetary Science Letters, các nhà khoa học tại Đại học Cardiff ở xứ Wales đã tái xây dựng lại mức độ axit của đại dương và nồng độ CO2 trong khí quyển suốt 22 triệu năm qua.
Họ nhận thấy rằng, chúng ta đang tiến đến mức độ axit hóa đại dương chưa từng thấy trong hàng triệu năm. “Các đại dương trên thế giới có nguy cơ đạt mức axit cao nhất trong 14 triệu năm nếu tỷ lệ phát thải CO2 không giảm xuống”, Sindia Sosdian, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Sự axit hóa đại dương là kết quả của việc CO2 trong khí quyển bị nước biển hấp thụ, làm giảm độ pH của nước. Khoảng 525 tỷ tấn CO2 đã bị hòa tan trong đại dương kể từ khi con người bắt đầu thời đại công nghiệp. Nếu lượng khí thải carbon dioxide tiếp tục duy trì ở mức hiện tại, độ pH của các đại dương trên thế giới sẽ giảm xuống còn 7,8 vào năm 2100, so với độ pH hiện nay bằng 8,1.
Quốc Lê (theo Iflscience)