Học sinh Trường tiểu học thị trấn Sông Thao, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) đọc sách tại thư viện nhà trường. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN |
Dự án Mô hình trường học mới được triển khai trong hơn 3 năm ( 2013-2016) vừa kết thúc, được các nhà tài trợ quốc tế đánh giá cao, tạo bước chuyển quan trọng về nhận thức và mở ra cách thức thực hiện mục tiêu giáo dục nhằm phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Để hiểu rõ hơn những kết quả tích cực và hướng phát triển của mô hình, phóng viên TTXVN đã có cuộc trò chuyện với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển.
- Xin Thứ trưởng cho biết thành công lớn nhất mà dự án mô hình trường học mới mang lại? Ý nghĩa của Mô hình trường học mới đối với quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo?
Quan trọng nhất là mô hình trường học mới đã có tác dụng làm thay đổi nhận thức của cán bộ giáo viên, học sinh cũng như phụ huynh học sinh, của xã hội về cách thức phát triển phẩm chất năng lực phẩm chất của học sinh.
Khi thực hiện nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương chuyển đổi triết lý giáo dục từ tập trung trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực người học, cần hiểu thế nào là phẩm chất, thế nào là năng lực và phát triển toàn diện là như thế nào?
Mô hình trường học mới là minh họa rõ nét nhất cho việc đó. Nó giúp cho lực lượng đông đảo giáo viên, cán bộ quản lý nhà trường, cả phụ huynh và toàn xã hội hiểu, thống nhất nhận thức về yêu cầu mới của giáo dục. Khó khăn nhất khi chuyển đổi nhận thức đã được giải quyết thì những thành công tiếp theo là mô hình trường học mới đã tạo ra quy trình dạy học phù hợp với logic nhận thức, phù hợp với quan điểm của khoa học giáo dục hiện đại.
Chúng ta đã có cách làm để giao quyền tự chủ cho giáo viên, nhà trường, quyền tự quản cho học sinh. Từ mô hình này, học sinh không chỉ có kiến thức mà còn có năng lực tự học, có tư duy độc lập, có khả năng tương tác với bạn bè, xã hội để phát triển bản thân.
Nghị quyết 29 đã khẳng định giáo dục vừa coi trọng việc dạy trong nhà trường đồng thời chú trọng hoạt động xã hội, hoạt động trải nghiệm để các em không chỉ phát triển bản thân mà còn tham gia phát triển cộng đồng, xã hội. Mô hình trường học mới đã thực hiện theo tinh thần này.
Mô hình trường học mới qua 3 năm triển khai chính thức đã có tác dụng tạo ra một lớp học sinh mới, tích cực, chủ động, không chỉ có kiến thức mà các em đã có năng lực, phẩm chất phát triển toàn diện. Mô hình này không chỉ coi trọng việc học trên lớp của học sinh mà coi trọng cả sinh hoạt rèn luyện của các em tại gia đình, cộng đồng.
Mô hình trường học mới cũng đã giúp đội ngũ giáo viên đông đảo được tập huấn, quá trình tập huấn chú trọng thực hành cho giáo viên và giúp họ có thể thực hiện nhiệm vụ đổi mới trong các nhà trường.
Mô hình trường học mới cũng hỗ trợ việc đổi mới tổ chức quản lý nhà trường, tổ chức quản lý lớp học theo hướng dân chủ hóa, xã hội hóa và giao quyền tự chủ cho nhà trường, giáo viên, giao quyền tự quản cho học sinh, học sinh. Mô hình trường học mới cũng hỗ trợ một phần kinh phí để trang bị thêm điều kiện đổi mới kỹ thuật dạy học của giáo viên nhà trường.
Mô hình không chỉ triển khai với điều kiện được hỗ trợ ở dự án mà nhiều trường không được thụ hưởng dự án vẫn tự nguyện triển khai. Dự án chỉ hỗ trợ chính thức cho 1447 trường nhưng đã có 4177 trường tham gia, chiếm gần 30% tổng số trường tiểu học trong toàn quốc. Không có dự án nào thời gian ngắn nhưng kết quả đạt được tốt như vậy, có tính bền vững và được hưởng ứng như dự án này.
- Đúng như chia sẻ của Thứ trưởng, thành công mà ai cũng nhận thấy của mô hình này là học sinh đã có kỹ năng sống tốt hơn, việc hình thành và phát triển năng lực phẩm chất tốt hơn. Tuy nhiên cũng có những băn khoăn lo ngại rằng, so với học sinh của các trường khác, chuẩn kiến thức kỹ năng của học sinh ở mô hình trường học mới có đảm bảo hay không?
Chúng ta từng băn khoăn rằng chương trình của chúng ta quá nặng về kiến thức, quá tải với học sinh. Qua những đợt đánh giá quốc tế về học sinh tiểu học (PASEC), trung học (PISA) thì học sinh Việt Nam không thua kém các bạn quốc tế về trình độ nhận thức nhưng những bài tập về phát huy tính chủ động sáng tạo, phát hiện vấn đề thì các em Việt Nam có phần hạn chế.
Đặc biệt, ai cũng biết là nếu quá tập trung vào kiến thức thì các em không phát triển được năng lực cần thiết của công dân thế kỷ 21 khi khoa học kỹ thuật phát triển, hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng, khi giá trị bản thân ngày càng phải phát huy trong cộng đồng xã hội.
Chính mô hình này đã góp phần chuyển nhận thức và chuyển thực tiễn chất lượng giáo dục học sinh. Như vậy, không nên lo lắng học sinh chúng ta không đủ kiến thức. Bây giờ chúng ta không nên coi trọng những kiến thức quá cao, dạy những bài tập đánh đố, những bài toán “sao”,.... mà tập trung vào kiến thức cơ bản để học sinh có thể học tiếp lên cao.
Chúng ta tập trung xây dựng kỹ năng tự học để các em có thể học tập suốt đời, phù hợp với quá trình xây dựng xã hội học tập cũng như theo kịp lượng kiến thức bùng nổ mỗi ngày trên thế giới. Khi chưa có mô hình trường học mới, những vấn đề này cũng đã được đề cập nhưng mô hình, cách thức thực hiện các yêu cầu này chưa có trong thực tế, chính mô hình này đã kết nối lại những gì đã làm lẻ tẻ để có thể thực hiện được trong 1 nhà trường, đặc biệt là tính chất, quy trình có thể nhân rộng trong nhiều nhà trường.
- Để nhân rộng mô hình, theo Thứ trưởng cần phải có thêm các giải pháp đồng bộ như thế nào trong thời gian sắp tới?
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch nhân rộng mô hình trường học mới. Một cách tổng quát thì mô hình này có 2 điểm mới: Điểm mới thứ nhất là đổi mới quản lý nhà trường theo hướng dân chủ hóa, xã hội hóa, giao quyền tự chủ cho giáo viên, nhà trường, giao quyền tự quản cho học sinh.
Những điều này sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu nghiên cứu để đưa vào dự thảo Điều lệ trường tiểu học, Điều lệ trường trung học sắp tới. Như vậy tất cả các trường đã tham gia dự án hay chưa đều có thể áp dụng mô hình trường học mới ở khía cạnh quản lý nhà trường, quản lý không gian dạy học.
Điểm mới thứ 2 là về quy trình dạy học. Quy trình dạy học của trường học mới đã được các nhà khoa học giáo dục nổi tiếng thế giới tổng kết lại, phù hợp logic nhận thức, phù hợp lý thuyết về dạy học hiện đại. Với quy trình như vậy, giáo viên sẽ quen tự làm và quen với mô hình dạy học tiên tiến. Quy trình đó tạo cơ hội cho giáo viên vận dụng kỹ thuật dạy học tích cực, vận dụng sáng tạo của từng giáo viên để giải quyết những vấn đề trên lớp học. Học sinh cũng học được cách tự học, cách tương tác nhóm khi học tập.
Điều này phù hợp chủ trương của chúng ta khi sắp tới sẽ có 1 chương trình và nhiều sách giáo khoa. Chính bộ sách giáo khoa của mô hình trường học mới sẽ được nghiên cứu điều chỉnh phù hợp và thẩm định để ban hành. Như vậy trường nào dạy theo mô hình trường học mới sẽ áp dụng bộ sách giáo khoa này.
Ngoài ra cần chú ý đến các điều kiện thực tiễn để triển khai hiệu quả. Đối với các địa phương cần nhận thức đúng bản chất mô hình để khi vận dụng mới hiệu quả. Khắc phục được hạn chế về điều kiện dạy học còn thiếu thốn như lớp học quá đông, cơ sở vật chất quá thiếu sẽ khó áp dụng. Tiếp theo phải chỉnh lý sách giáo khoa để phù hợp hơn với mô hình này cũng như với chương trình sách giáo khoa mới.
Ngoài ra cần tập huấn giáo viên chu đáo, đặc biệt là với những nơi xưa nay chưa áp dụng. Quá trình theo dõi kiểm tra giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho giáo viên để phát hiện những vấn đề phát sinh khi triển khai, giải quyết kịp thời để đảm bảo tính thành công một cách chắc chắn.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!