Tại đây, các hoạt động trải nghiệm và tư vấn được tổ chức hoàn toàn miễn phí, nhằm giúp học sinh THPT có thêm cơ hội tìm hiểu ngành học đại học phù hợp sở trường, nguyện vọng của bản thân và khả năng có việc làm sau này.
GS Vũ Ngọc Hùng hướng dẫn các em học sinh kiểm tra cấu trúc của con quay vi cơ được lắp đặt trong rất nhiều thiết bị cầm tay. Ảnh: Quang Thịnh
Cụ thể, các em được tham gia giờ học trên giảng đường lớn do các thầy trong Ban Giám hiệu đảm nhiệm; chia nhóm thảo luận về các ngành học và chương trình đào tạo dưới sự hỗ trợ của các giảng viên từ các khoa/viện chuyên ngành; trải nghiệm hoạt động của các câu lạc bộ sinh viên nghiên cứu - sáng tạo tại trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp BKHUP; ăn trưa tại nhà ăn sinh viên; vào phòng thí nghiệm làm việc và trao đổi với giảng viên; tự do tham quan trường và giao lưu thể thao với học sinh các trường THPT khác tại Sân vận động Bách khoa.
Năm nay, ngoài những ngành truyền thống của trường ĐH Bách khoa, lần đầu tiên Viện Điện tử Viễn thông kết hợp cùng Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS) giới thiệu chương trình tuyển sinh kỹ sư ngành Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ Nano.
Trong khuôn khổ hoạt động này, các em học sinh – chủ yếu thuộc các trường chuyên Thái Bình, Bắc Giang, Hà Nam, ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Quốc gia - được tham quan phòng sạch với trang thiết bị hiện đại và đồng bộ, nơi thực hiện việc chế tạo các loại cảm biến bán dẫn như cảm biến áp suất, cảm biến gia tốc, cảm biến khí, cảm biến từ, con chíp sinh học và đặc biệt được hướng dẫn bởi đội ngũ các thầy tu nghiệp tiến sỹ từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.