Đây là một trong các nội dung thuộc Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giai đoạn 2016 - 2020.
Chương trình được ký kết chiều 11/11 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ KH&CN - Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Xuân Cường.
Tham dự lễ ký kết về phía Bộ KH&CN còn có các thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Trần Việt Thanh, Phạm Công Tạc; về phía Bộ NN&PTNT có sự tham dự của các thứ trưởng Vũ Văn Tám, Lê Quốc Doanh cùng đại diện các đơn vị liên quan thuộc hai bộ.
Theo đó nội dung ký kết giữa hai bộ thống nhất trong giai đoạn 2016- 2020 cần ưu tiên thực hiện hiệu quả chương trình công nghệ sinh học trong nông nghiệp, thủy sản; Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới và Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp, sản phẩm lợi thế của địa phương.
Đồng thời hai bộ sẽ sẽ phối hợp xây dựng một số dự án KH&CN cấp nhà nước, một số chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp bộ, tập trung cho một số ngành hàng, sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh cấp quốc gia, đặc biệt chú trọng đến nghiên cứu phát triển công nghệ chế biến sâu, công nghệ bảo quản để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông sản Việt Nam.
Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết: KH&CN đã và đang tác động trực tiếp đến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa nông nghiệp Việt Nam. Thời gian qua Bộ KH&CN luôn dành ưu tiên xứng đáng đối với hoạt động nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp. Hai bộ có sự phối hợp rất chặt chẽ trong nhiều hoạt động liên quan từ thí điểm chính sách đến nhân rộng các mô hình hoạt động khoa học công nghệ.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh bày tỏ sự ghi nhận về những kết quả có được là do có sự tham gia ngày càng nhiều hơn của lực lượng các nhà khoa học hết sức năng động và sáng tạo trong nghiên cứu thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Cùng với đó là sự tham gia ngày càng nhiều hơn của các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp. Qua cách này KH&CN có những tác động cụ thể và ngày càng có hiệu quả đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp từ khâu giống, canh tác, thu hoạch...
Đánh giá cao sự hợp tác, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định trong 10 nhóm nội dung hợp tác, giải pháp KHCN được coi là đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, tỉnh, và địa phương.
Ông Cường tin tưởng với sự vào cuộc mạnh hơn nữa của khoa học công nghệ sẽ tác động trực tiếp vào các dòng sản phẩm chủ lực. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng bày tỏ mong muốn chính sách mới sẽ phát huy tổng tiềm lực xã hội, coi nhà khoa học, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế vào tổ hợp chung, theo đó thực hiện thành công tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hội nhập.
Theo nội dung ký kết và quy chế phối hợp được hai bộ ký kết, các chương trình, dự án nghiên cứu đổi với một số sản phẩm chủ lực nói trên được thiết kế theo hướng tập trung, theo chuỗi để tạo ra sản phẩm cuối cùng ứng dụng sản xuất, tăng cường liên kết giữa các tổ chức KH&CN với doanh nghiệp, liên kết 4 nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông.
Nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tạo sự gắn kết giữa các tổ chức nghiên cứu với doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh giao nhiệm vụ cho Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam trong thời gian ngắn nhất phục tráng 2 giống lợn đặc sản của Việt Nam sớm đưa vào sản xuất.
Việc ký kết và triển khai chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giai đoạn 2016 - 2020 thể hiện ý chí chính trị và quyết tâm cao của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Chu Ngọc Anh. Chương trình hợp tác giữa hai bộ tiếp tục khẳng định nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là khâu then chốt tạo sự đột phá góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Theo báo cáo từ Bộ NN&PTNN, khoa học và công nghệ đã mang lại nhiều kết quả phục vụ sự phát triển của ngành nông nghiệp. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp như giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới đã giảm chi phí đầu tư, góp phần tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp.
Đã có trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, 100% diện tích điều trồng mới được sử dụng giống mới… đưa tỷ trọng áp dụng giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng. Nhiều công nghệ mới được áp dụng đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn, tăng giá trị xuất khẩu, đưa nước ta vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về tôm, cá tra, cà phê, hạt điều, hạt tiêu và gạo. |