Đây là ý kiến thống nhất của các nhà khoa học, bệnh viên, đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin và cơ quan quản lý trong cuộc họp bàn giải pháp ứng phó dịch viêm phổi do virus Corona (nCoV) do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc chủ trì, chiều 30/01/2020, tại Hà Nội.
Cuộc họp có sự tham gia của nhiều chuyên gia thuộc Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Ban chủ nhiệm Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020, Học viện Quân y, Bệnh viện Quân y 103, Bộ Y tế, Bộ KH&CN và một số đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin.
Liên quan đến hành lang pháp lý, cơ chế chính sách cũng như tài chính thực hiện nhiệm vụ, Thứ trưởng Phạm Công Tạc khẳng định sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà khoa học bởi đây là nhiệm vụ cấp bách và vô cùng quan trọng.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, với tốc độ lây nhanh của virus Corona ở Trung Quốc cho thấy tình hình phức tạp của dịch bệnh này. Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin dự phòng bệnh, nguồn gốc phát sinh dịch bệnh thì có nhiều giả thuyết từ các kết quả nghiên cứu khác nhau, vì thế, Việt Nam cần chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh do virus Corona.
GS.TS. Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đề xuất, Việt Nam phải tự sản xuất sinh phẩm chẩn đoán để chủ động, không thể chờ quốc tế hỗ trợ. Khi có bộ kit test, Việt Nam có thể chủ động sàng lọc các ca nghi vấn để cách ly.
Chủng virus Corona mới ưa lạnh, thời gian ủ bệnh lên đến 14 ngày (trong khi đó hội chứng hô hấp cấp tính nặng SARS thời gian ủ bệnh là 5-7 ngày). Đây là đặc tính của biến chủng mới nên cần phải hết sức lưu ý. GS.TS. Nguyễn Văn Kính lo ngại tình hình căng thẳng hơn nếu dịch bệnh bùng phát ở miền Bắc do thời điểm này trời ẩm, nồm và lạnh và nhất là lúc diễn ra nhiều lễ hội tập trung đông người.
Theo đó, GS.TS. Nguyễn Văn Kính đặc biệt lưu ý việc phòng tránh lây lan bệnh ở những nơi công cộng, càng đông càng dễ lây, đặc biệt những bệnh viện lớn, tập trung đông bệnh nhân và người nhà.
Đồng quan điểm, PGS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc chủ động sản xuất kit test giúp rút ngắn thời gian phát hiện bệnh nhân đồng thời phải nghiên cứu dịch tễ học ngay từ đầu để có thể thu thập được số liệu một cách đồng bộ từ những ca bệnh đầu tiên.
PGS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho đơn vị có năng lực và trình độ nghiên cứu sản xuất nhanh bộ kit test, đồng thời nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, dịch tễ học phân tử, đặc điểm virus học về bệnh này.
Về sản xuất vắc xin phòng bệnh do virus nCoV, TS. Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 cho rằng cần một quá trình ít nhất sau 3 tháng để khẳng định tính khả thi. Công ty đã chủ động liên hệ với phía Anh, đề nghị giúp Việt Nam trong việc phát triển vắc xin phòng bệnh do virus nCoV.
GS.TS. Lê Bách Quang - Thành viên Ban chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 phân tích: Cơ sở khoa học để trả lời về virus Corona còn nhiều điều phải nghiên cứu. Trong tình hình cấp bách hiện nay và nguy cơ bùng phát dịch bệnh do virus nCov lớn hơn dịch SARS trước đây nên cần phải phản ứng nhanh, ngay từ bây giờ phải nghiên cứu về dịch tễ học, vius học và phải tư vấn với Chính phủ về phản ứng ứng phó…
Trao đổi tại cuộc họp, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho rằng, mặc dù Việt Nam vẫn được các tổ chức y tế quốc tế quan tâm hỗ trợ, Tổ chức Y tế Thế giới cũng cung cấp vật mồi cho Việt Nam trong việc xét nghiệm chủng virus Corona mới nhưng các nhà khoa học Việt Nam cần quyết liệt vào cuộc để có phản ứng đúng mức với dịch bệnh mới này trên cơ sở khoa học.
Thống nhất quan điểm với các nhà khoa học, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đề nghị các nhà khoa học cần tập trung nghiên cứu xây dựng bộ kit test nhanh trong thời gian sớm nhất, bên cạnh đó cũng xây dựng các đề tài nghiên cứu về dịch tễ học với chủng virus corona mới, nghiên cứu về lâm sàng chủng virus để từ đó nghiên cứu vắc xin điều trị./.