GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt 22.200USD sau 2 thập kỷ nữa, đuổi kịp Indonesia và Philippines nếu duy trì mức tăng trưởng 7%/năm, theo “Báo cáo Việt Nam 2035” được công bố ngày 23/2.


Để đạt mục tiêu này, Việt Nam phải nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, hỗ trợ để kinh tế tư nhân tự tin đẩy mạnh kết nối với doanh nghiệp nước ngoài, tạo thuận lợi để chuyển giao công nghệ và tri thức. Trong hành trình đó, KH&CN có vai trò then chốt.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim công bố “Báo cáo Việt Nam 2035”. Ảnh: Loan Lê
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim công bố “Báo cáo Việt Nam 2035”. Ảnh: Loan Lê

Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình

Mặc dù tự hào vì Việt Nam từ một đất nước thiếu đói, nền kinh tế bao cấp, tự túc kiệt quệ sau chiến tranh đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, một nền kinh tế năng động, hấp dẫn các nhà đầu tư, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vẫn nhấn mạnh: Phải đổi mới mạnh mẽ để Việt Nam trở thành mảnh đất đáng sống.

“Chúng ta vui mừng song không thể thỏa mãn. Khát vọng của Việt Nam về một quốc gia thịnh vượng, dân giàu, nước mạnh, môi trường bền vững, người dân có cuộc sống ấm no đòi hỏi chúng ta đổi mới hơn nữa” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu.

Theo báo cáo trên, từ nay đến năm 2035, Việt Nam sẽ phải đổi mặt với cơ cấu dân số biến động rất mạnh. Quy mô dân số đã tiến đến điểm ngoặt về dân số cao tuổi vào năm 2015 và sắp tới, Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia có dân số bị già hóa nhanh nhất thế giới. Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, hiện nay là thời điểm vàng để Việt Nam tiến hành những cải cách mạnh mẽ. Nếu bỏ qua thời cơ này, chúng ta có thể tụt hậu xa hơn, rơi vào bẫy thu nhập trung bình...

Ông Vinh dẫn thêm lý do Việt Nam buộc phải đổi mới: Nếu đầu thế kỷ 19, Việt Nam đã có một vị trí rất đáng nể trong khu vực về dân số cũng như quy mô kinh tế, lớn hơn cả Philippines và Myanmar cộng lại, gấp 1,5 lần so với Thái Lan. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khi đó xấp xỉ mức trung bình của thế giới. Thế nhưng đến năm 2014, chỉ số này chỉ bằng hơn 1/5 mức trung bình thế giới và Malaysia, bằng hơn 1/3 thu nhập bình quân đầu người của Thái Lan.

“Những con số này cho thấy rằng hiện nay, yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước đối với Việt Nam cấp bách hơn bao giờ hết” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Nâng cao tinh thần khởi nghiệp

Để đạt được các mục tiêu lớn kể trên, “Báo cáo Việt Nam 2035” đề cập đến 3 trụ cột phát triển: Thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững và môi trường; công bằng và hòa nhập xã hội; Nhà nước có năng lực và trách nhiệm giải trình.

Theo ông Vinh, nếu không thực hiện được ba trụ cột này, Việt Nam không thể vượt qua thách thức và có nguy cơ tụt hậu xa hơn. Đương nhiên, tăng năng suất lao động là yếu tố tối cần thiết.

Như vậy, nhiệm vụ trước mắt hiện nay của Việt Nam là nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp tư nhân trong nước bằng cách củng cố nền tảng kinh tế thị trường, bởi sức khoẻ của doanh nghiệp trong nước chính là sức khoẻ của nền kinh tế. Bên cạnh đó, Nhà nước phải thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, tạo ra môi trường thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ và tri thức.

Trao đổi với Báo Khoa học và Phát triển, TS Lê Đình Tiến - nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, thành viên ban soạn thảo báo cáo - cho biết, để tạo ra tăng trưởng như báo cáo đã nêu, Việt Nam cần chú ý ba yếu tố: Vốn, lao động và các nhân tố tổng hợp (trong đó KH&CN và việc đổi mới quản lý đóng vai trò quan trọng).

“Trong năng suất, các yếu tố tổng hợp (TFP), KH&CN và đổi mới sáng tạo là nhân tố chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng nền kinh tế, nhưng hiện yếu tố này của chúng ta còn rất thấp. Vì vậy, để tăng năng suất lao động thì TFP phải đẩy cao lên” - TS Lê Đình Tiến nói.

Muốn vậy, theo TS Tiến, phải đổi mới quản lý, thúc đẩy các chính sách và KH&CN phải được ứng dụng mạnh mẽ. Đặc biệt về lâu dài, Việt Nam phải thúc đẩy hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia để tạo điều kiện cho việc ứng dụng KH&CN. Đồng thời, cũng cần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ các ngành năng suất thấp sang các ngành có năng suất lao động và hiệu quả cao hơn (ví dụ như chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ để đẩy năng suất lao động chung của xã hội tăng cao).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ sẽ triển khai cơ chế theo dõi, đánh giá kết quả tham khảo, vận dụng kiến nghị của báo cáo, đồng thời tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về những vấn đề quan trọng nêu tại văn bản này đối với quá trình phát triển của đất nước.