Đó là phát biểu của ông Lưu Hải Minh - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội - tại hội thảo "Giải pháp hỗ trợ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay", được tổ chức tại Hà Nội sáng 15/3.

Ông Lưu Hải Minh cho rằng, hiện nay, các doanh nghiệp khoa học công nghệ thường trưởng thành sau khi startup, bắt đầu có sản phẩm rồi mới kinh doanh nên rất khó khăn về vốn, trong khi việc vay ngân hàng rất khó khăn: "Đi đến ngân hàng nào cũng bị đòi tài sản thế chấp mà chúng tôi chỉ có tài sản duy nhất là quyền sở hữu trí tuệ từ các sáng chế, chuyển giao công nghệ".

"Hiện nay chúng ta nói nhiều đến công nghệ cao, tôn vinh khoa học và công nghệ nhưng việc hỗ trợ vẫn gần như là con số 0. Tôi mong muốn Hà Nội là đơn vị đi đầu trong việc hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ, không cần bằng tiền cho mà bằng vốn vay" - ông Minh nói.


Quanh cảnh Hội nghị sáng 15/3.
Quanh cảnh hội nghị sáng 15/3.

Cũng theo Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, để được miễn thuế VAT và thuế nhập khẩu, Hải quan quy định phải kê khai danh mục nhập khẩu trong 5 năm. Nhưng chỉ cần sang năm thứ hai thì danh mục nhập khẩu đó đã bị lạc hậu. "Khi vào Việt Nam, chỉ cần sai một mã là không được miễn thuế. Như vậy, quy định này vô hình trung đã khiến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ trở nên vô nghĩa" - ông Minh nói.

Ông Nghiêm Xuân Huy - đại diện Finhay – một startup chuyên hỗ trợ các giải pháp tài chính - cho biết công ty ông cũng từng gặp khó khăn trong vấn đề thuế: "Sau khi đăng ký kinh doanh thành công, doanh nghiệp phải đăng ký thuế môn bài. Phần công việc này đỏi hỏi doanh nghiệp phải trực tiếp đi làm thủ tục, mất khoảng 3 ngày mới xong. Khoảng thời gian này lẽ ra có thể dành để tập trung phát triển sản phẩm và vạch ra chiến lược phát triển".


Ông Trần Anh Vương - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội phát biểu tại Hội thảo.
Ông Trần Anh Vương - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội - phát biểu tại hội thảo.

Ông Trần Anh Vương - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội - cho biết khi tiếp xúc với các doanh nghiệp, ông được biết vẫn còn hiện tượng "làm luật" ở khâu thuế, hải quan, cấp phép đầu tư kinh doanh, cấp phép cho các dự án môi trường, thủy điện, phòng cháy chữa cháy hay khi làm việc với cơ quan quản lý môi trường. Nhiều doanh nghiệp còn vướng mắc về thủ tục hành chính trong thành lập doanh nghiệp, đầu tư vốn nước ngoài, lao động nước ngoài, nhập động vật nước ngoài… mà ít được hướng dẫn cụ thể, khiến cả họ và cơ quan nhà nước đều mất thời gian.

Đây cũng là vấn đề được ông Nguyễn Duy Anh - Phó giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Anh Nguyễn - nêu ra trong bài tham luận của mình. Theo ông, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu hết không nhận được hướng dẫn về thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh hoặc thay đổi giấy phép kinh doanh, nên phải làm đi làm lại nhiều lần. “Thậm chí có trường hợp chuyên viên bỏ quên hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp” - ông Anh nhấn mạnh.

Ông Nghiêm Xuân Huy cho biết, ông đã phải bỏ ra một số tiền không nhỏ đối với một doanh nghiệp khởi nghiệp để xin tư vấn từ các công ty luật.

Lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, đại diện Chi cục Thuế Hà Nội và Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết sẽ cố gắng tiếp tục cải thiện vấn đề thủ tục để giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian tới.